Thông tin nổi bật trong tuần:
Lại “nóng” các dự án cao tốc; Bất ngờ đơn từ chức của Tổng giám đốc PVN
(Dân trí) - Các thông tin về dự án cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn gây chú ý tuần qua. Ngoài ra, trong tuần, độc giả cũng quan tâm đến việc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn bất ngờ xin từ chức Tổng giám đốc Tập đoàn PVN.
Chính phủ yêu cầu dồn toàn lực cho Dự án cao tốc Bắc – Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu 32 tỉnh, thành phố có Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, trong đó Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn...
Trước mắt đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 08 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Để đáp ứng tiến độ Dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ GPMB và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ Dự án.
Làm cao tốc Bắc - Nam: Trung Quốc dễ thắng thầu?
Các chuyên gia lo ngại cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ rơi vào nhà đầu tư kém năng lực, dẫn tới đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Ít ngày trước, cổng thông tin của Bộ GTVT đăng tải thông tin buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa.
Tại buổi làm việc này, ông Nghiêm Giới Hòa gợi ý, với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hình thức EPC hoặc BTO. Với hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công) do một chủ thể thực hiện và chính quyền giám sát. Còn với hợp đồng BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể đầu tư trong xây dựng và duy tu.
Theo ông Hòa, mô hình lý tưởng nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ (hợp đồng EPC), sau này nhà nước mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. Do đó, trước các đề xuất của Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Công cho rằng, cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm. “Trước mắt, chúng tôi mong tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp đưa ra chào thầu quốc tế”, ông Công nói.
TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA - Nhật Bản) cho rằng, chọn nhà đầu tư nước nào để làm cao tốc Bắc - Nam không quan trọng, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, không lặp lại trường hợp nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đều chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. “Muốn vậy cán bộ và bộ máy của Việt Nam phải đủ năng lực quản lý. Còn nếu không quản lý được, thì nhà đầu tư sẽ làm bậy”.
Vụ đánh bạc nghìn tỷ “đe dọa” số phận cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn?
"Trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương (ảnh: Sputnik
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từng “chết yểu” khi “trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương là nhà đầu tư dự án. Sau 2 năm được “giải cứu”, số phận của dự án này một lần nữa bị đe dọa khi tòa án kiến nghị điều tra làm rõ giai đoạn 2 của vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến Nguyễn Văn Dương.
Ông Đỗ Văn Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - cho biết: “Các đối tác chiến lược, nhà thầu, nhà đầu tư, các cổ đông và các tổ chức tín dụng đều hoang mang, thắc mắc về thông tin liên quan đến Đèo Cả và lo ngại sự ảnh hưởng tới doanh nghiệp của họ; làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đặc biệt, gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi trong việc thực hiện các cam kết với Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương có liên quan trong việc đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cần hoàn thành trong năm 2019. ”
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành giải quyết các vướng mắc, làm rõ các nội dung trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoàn thành dự án theo quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn vị này cũng đề nghị cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, Toà án Nhân dân tỉnh Phú Thọ… có ý kiến cụ thể về kết quả điều tra, sớm công bố công khai, kịp thời cho dư luận và doanh nghiệp được rõ về các nội dung liên quan.
Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu làm thất thoát vốn Nhà nước
Thủ tướng yêu cầu thực hành tiết kiệm bằng việc cắt giảm chi phí cho động thổ, khánh thành dự án
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 với nhiệm vụ cắt giảm 100% tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành.
Thủ tướng yêu cầu, năm 2019, bộ máy thực hiện siết chặt kỷ luật ngân sách, tài khóa, đảm bảo chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả theo đúng dự toán Quốc hội thông qua.
Cả bộ máy phải giảm tần suất, thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí chi tiết khách, khánh tiết, lễ hội, lễ kỷ niệm với khoảng 12% kinh phí dự toán do cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước , các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bất ngờ xin từ chức
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn trong ngày đầu nhậm chức tại PVN
Theo nguồn tin của Dân trí, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có đơn gửi Hội đồng thành viên của Tập đoàn PVN để xin từ chức Tổng giám đốc từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, cho đến ngày 12/3, Hội đồng quản trị PVN mới họp lần cuối và xem xét, chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn.
Cuối giờ chiều ngày 13/3, trả lời Dân trí, một thành viên Hội đồng thành viên của PVN cũng đã xác nhận các thông tin trên. Lý do ông Sơn xin từ chức chưa được tiết lộ.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chính thức nhậm chức Tổng giám đốc từ đầu tháng 3.2016.
Ông Sơn có thời gian làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) (Thời kỳ từ tháng 7/2009 đến đầu tháng 2/2012), sau đó làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam kiêm thành viên Hội đồng thành viên của Tập đoàn này. Ông Sơn cũng có thời gian ngắn (năm 2017) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, sau đó trở lại vị trí Tổng giám đốc của tập đoàn này.
Mai Chi (tổng hợp)