LafargeHolcim "bật bãi" khỏi thị trường xi măng Việt Nam

(Dân trí) - Theo nguồn tin từ Bộ Xây dựng ngày 6/8, đối tác ngoại trong Công ty liên doanh LafargeHolcim Việt Nam-Tập đoàn Tập đoàn LafargeHolcim (Thụy Sỹ) đã chính thức tuyên bố rút khỏi thị trường xi măng Việt Nam.


LafargeHolcim rút lui khỏi iệt Nam gây bất ngờ với giới đầu tư trên thị trường xi măng

LafargeHolcim rút lui khỏi iệt Nam gây bất ngờ với giới đầu tư trên thị trường xi măng

Cụ thể, cách đây 2 ngày (4/8), LafargeHolcim đã có thông báo: Tập đoàn này đã ký thỏa thuận bán toàn bộ 65% cổ phần của mình tại liên doanh cho công ty sản xuất xi măng của Thái Lan Siam City (SCCC) với giá 867 triệu franc Thụy Sỹ, tương đương 890 triệu USD.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn phải được các cơ quan quản lý và cổ đông thông qua, và dự định hoàn thành vào quý IV năm nay.

Holcim Việt Nam được thành lập năm 1994 là Công ty liên doanh khá có tên tuổi trước đây với vị trí là doanh nghiệp sản xuất xi măng có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đầu tư 233,8 triệu USD, trong đó, phía đối tác Thụy Sĩ trong liên doanh chiếm 65% vốn, phần còn lại là của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Holcim Vietnam được Bộ Xây dựng đánh giá là một trong những doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường xi măng giai đoạn trước đây với vai trò là doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam với 5 nhà máy xi măng, công suất 6 triệu tấn xi măng/năm bên cạnh sản xuất bê tông ướt. Công nghệ sản xuất xi măng cũng thuộc diện hiện đại nhất trong các doanh nghiệp xi măng của cả nước.

Vào cuối năm ngoái, Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ), và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp) đã chính thức sáp nhập.

Theo LafargeHolcim việc rút khỏi Việt Nam sau 22 năm qua nằm trong kế hoạch tái cơ cấu các hoạt động nước ngoài của tập đoàn này.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, một cựu thành viên trong Hội đồng quản trị của Công ty liên doanh LafargeHolcim Việt Nam cho biết, sở dĩ LafargeHolcim rút khỏi Việt Nam là do cách thức, mô hình hoạt động không phù hợp.

"Đầu tư lớn, hiện đại, quy củ nhưng chi phí, giá thành của Holcim quá cao, không cạnh tranh nổi với nhiều sản phẩm xi măng khác tại Việt Nam, có thể chất lượng kém hơn nhưng giá bán rẻ hơn nhiều xi măng Holcim", cựu thành viên Hội đồng quản trị Holcim Viêt Nam cho biết,

"Với giá bán thời gian qua cộng với công suất dư thừa, xi măng Holcim thực sự không thể cạnh tranh nổi, trong khi thị trường dư thừa cung. Tôi khẳng định là phần lớn thời gian kinh doanh tại Việt Nam là bị thua lỗ, hiệu quả thấp. Lỗ lớn mới phải rút chứ không gì khác. Thời gian tôi ở đó 5 năm mà liên tục, năm nào công ty cũng thua lỗ", người này bình luận.

Theo cựu thành viên ban lãnh đạo Holcim Việt Nam, "Tuy nhiên, theo tôi, việc ra đi của LafargeHolcim là rất đáng tiếc vì Nhà máy này đầu tư công nghệ hiện đại của Đức, chi phí lắp đặt rất đắt cộng thêm chi phi cao để xử lý các vấn đề đảm bảo môi trường, điều mà các doanh nghiệp xi măng trong nước không làm được".

Tuy nhiên, một nguồn tin khác là đối tác của Công ty liên doanh LafargeHolcim Việt Nam dẫn tư liệu từ Công ty này gửi Bộ Xây dựng cho biết, Liên doanh này chỉ thua lỗ trong giai đoạn đầu, còn từ năm 2012-2015, liên doanh này đã có lãi liên tục.

Tuy từ chối nói rõ các con số lợi nhuận cụ thể nhưng nguồn tin trên trên cho rằng: "Công nghệ cao, sản phẩm có chất lượng và Holcim Việt Nam đã có lợi nhuận tốt đó là lý do mà SCCC đã mua lại phần vốn góp của LafargeHolcim bất chấp cảnh báo thị trường xi măng Việt Nam hiện nay đã dư cung vì SCCC đánh giá cao triển vọng phát triển của công ty này".

Về đối tác mới của Công ty Liên doanh xi măng trên, sau khi LafargeHolcim rút đi, là Công ty SCCC: Đây là công ty xi măng lớn thứ nhì Thái Lan, đứng sau Siam Cement Group (SCG).

Năm 2015, doanh thu của SCCC là 892 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt 131 triệu USD. Cách đây 2 tuần, SCCC cũng vừa mua lại chi nhánh Holcim ở Sri Lanka để trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước này. Hồi tháng 9 năm ngoái, SCCC cũng đã đầu tư vào một dự án liên doanh ở Campuchia với Chip Mong Group, và cho biết có ý định đầu tư tiếp sang Lào và Việt Nam.

Mạnh Quân