“Lách” trần lãi suất bằng nhiều chiêu khuyến mãi
(Dân trí) - NHNN giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 7%/năm nhưng trước áp lực về nhu cầu vốn hiện nội bộ khối các ngân hàng thương mại đang diễn ra cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động kèm khuyến mãi nhằm “hút” người gửi tiền.
Mức lãi suất huy động lên tới 10%/năm hiện không còn hiếm ở hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, dù lãi suất cơ bản tháng 8 vẫn giữ nguyên 7%/năm.
Gặp rào cản trần lãi suất 10,5%/năm, nhiều ngân hàng áp dụng chương trình khuyến mãi nhằm gia tăng lợi ích của khách hàng, kích thích nhu cầu gửi tiền.
TechcomBank với chương trình “gửi tiền nhận quà”, khách hàng chỉ cần gửi trên 20 triệu đồng đã có thể nhận được quà từ ngân hàng. VietinBank ngoài sản phẩm “Tiết kiệm có kỳ hạn lãi suất thả nổi” dành cho cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng, còn thu hút tiền gửi bằng việc phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh tặng thêm lãi suất 0,2 - 0,4%/năm.
Cùng với việc điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn gửi, SHB còn triển khai chương trình tiết kiệm “Trao may mắn gắn niềm tin” theo đó sẽ được nhận ngay phiếu cào cộng thưởng lãi suất, với lãi suất thưởng cao tối đa lên đến 2%/năm và được rút trước hạn theo chương trình…
TienphongBank lại tung ra sản phẩm “Tiết kiệm điện tử”, giúp quý khách mở và tất toán tài khoản tiết kiệm từ bất cứ đâu, 24/7 qua Internet Banking và hưởng lãi suất cao hơn so với tiết kiệm truyền thống mở tại quầy.
Không nằm ngoài cuộc đua, HSBC cũng gia tăng lợi ích cho khách hàng thông qua việc tặng thêm lãi suất 0,5%/năm đối với khoản tiết kiệm từ 30 triệu đồng trở lên. Tiền gửi tiết kiệm bằng USD được tặng thêm lãi suất 0,2%/năm trên mức lãi suất chuẩn (mức tiền gửi tiết kiệm thấp nhất là 2.000 USD).
Ngoài ra, khách hàng còn được tặng thêm Bảo hiểm An toàn cá nhân nhóm A dành cho các khoản tiền gửi từ 850 triệu đồng hoặc 50.000 USD với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên…
Áp lực cân đối vốn
Xu hướng chạy đua tăng lãi suất, “lách” trần bằng khuyến mãi của các ngân hàng thương mại cổ phần thời gian này được ví như “một nhu cầu bức thiết trước áp lực cân đối vốn”, khi chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sau một thời gian dài thực hiện đã khiến lượng vốn huy động bắt đầu trở nên khan hiếm.
Việc này cũng khiến một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, việc đã từng diễn ra vào đầu năm 2008, đặc biệt là với những ngân hàng nhỏ.
Đại diện Ban nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng cho biết: Áp lực trong cân đối nguồn vốn các kỳ hạn của các ngân hàng là không hề nhỏ. Bởi nhu cầu vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn hiện rất lớn, trong khi khả năng huy động vốn không dễ.
“Các ngân hàng đều gặp phải sự mất cân đối giữa các kỳ hạn vốn huy động và cho vay”, vị đại diện này khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đây chưa phải là thời điểm để đặt nặng vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, vì bản chất của đợt tăng lãi suất huy động lần này khác với giai đoạn năm 2008.
Trong nửa đầu năm 2008, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tăng rất mạnh do nhu cầu thanh khoản; còn hiện nay, làn sóng chạy đua lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh vào các kỳ hạn dài trên 12 tháng.
“Nguồn vốn có giá vốn cao hơn tập trung nhiều vào kỳ hạn dài được xem là kỳ vọng của các ngân hàng trong việc tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh dài hơi của doanh nghiệp”, bà Hương nói.
An Hạ