Lạ lùng loạt xe Cadillac, Lexus... cũng có phù hiệu "hộ đê”

Tình trạng xe được cấp phù hiệu “xe hộ đê” lưu thông tràn lan với số lượng lớn đang khiến các trạm thu phí đau đầu và thất thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.


Xe BKS 14A - 048.67 gắn phù hiệu xe hộ đê qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào lúc 9h50 sáng 7/9. Tuy nhiên, Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định không cấp phù hiệu xe hộ đê cho xe này - Ảnh: Đình Quang

Xe BKS 14A - 048.67 gắn phù hiệu "xe hộ đê" qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào lúc 9h50 sáng 7/9. Tuy nhiên, Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai khẳng định không cấp phù hiệu "xe hộ đê" cho xe này - Ảnh: Đình Quang

Đáng lưu ý, việc cấp phù hiệu “xe hộ đê” đang bộc lộ rất nhiều bất cập và có biểu hiện tiêu cực khi hàng loạt xe tư nhân, trong đó có cả những siêu xe của các cá nhân, doanh nghiệp không thuộc đối tượng cũng được cấp.

Xe biển trắng thuộc sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phù phép thành “xe hộ đê”. Trong đó, có những xe trị giá bằng cả gia tài, lên tới vài tỷ đồng cũng có phù hiệu “xe hộ đê” để được hưởng ưu tiên miễn phí qua các trạm BOT đường bộ khiến chủ đầu tư các tuyến đường thất thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Cadillac, Lexus cũng đi... hộ đê

Tìm hiểu của PV, hiện nay, xe gắn phù hiệu hộ đê theo quy định được chia thành hai cấp: Trung ương và địa phương. Cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu xe hộ đê Trung ương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Còn phù hiệu “xe hộ đê” địa phương do Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành cấp.

Đối tượng sử dụng xe hộ đê cũng được Bộ NN&PTNT quy định cụ thể tại Quyết định 3552 ban hành ngày 31/8/2017: Đối với cấp Trung ương là các xe phục vụ thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành; xe phục vụ công tác của cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động ứng phó khẩn cấp trong thiên tai.

Tại địa phương, đối tượng được cấp phù hiệu “xe hộ đê” là những xe phục vụ các chức danh chủ chốt của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố, gồm: Trưởng ban; phó trưởng ban thường trực; phó trưởng ban phụ trách chuyên môn (lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố); xe phục vụ công tác của văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố.

Quy định là vậy, nhưng trong quá trình thu thập tài liệu và điều tra thực tế tại một số trạm thu phí BOT, PV Báo Giao thông không khỏi giật mình trước tình trạng xe đeo phù hiệu hộ đê được sử dụng tràn lan cho nhiều đối tượng chẳng liên quan gì đến công tác phòng chống lụt bão, thiên tai để trốn trả phí cầu đường. Bởi theo quy định tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, xe hộ đê là loại xe thuộc đối tượng miễn phí khi qua các trạm thu phí đường bộ.

Đầu tháng 9/2018, có mặt tại trạm thu phí BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã ghi nhận gần chục lượt xe ô tô loại 4 chỗ mang biển trắng, gồm các xe BKS: 15A-326.89, 29A-127.27, 14A - 048.67… đều đeo phù hiệu “TW - xe hộ đê” ghi cơ quan cấp phù hiệu là Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nghênh ngang qua trạm soát vé và được bảng điện tử chạy chữ thông báo xe ưu tiên miễn phí.

Bất ngờ hơn, khi trích xuất dữ liệu hình ảnh từ trung tâm quản lý, điều hành trạm thu phí, chúng tôi không khỏi giật mình với đủ xe sang trị giá 4-5 tỷ đồng, thường chỉ dành cho giới siêu giàu cũng được gắn phù hiệu “xe hộ đê” như chiếc Cadillac BKS 15A-154.68, Lexus BKS 29A-127.27… Theo anh Tuấn, cán bộ thuộc trạm thu phí của Vidifi, riêng chiếc Cadillac BKS 15A-154.68 đeo phù hiệu “xe hộ đê”, các nhân viên thu phí tại trạm không lạ gì, bởi tháng nào xe này cũng đi qua đây vài lần.

“Chỉ tính riêng năm 2017, xe này chạy qua trạm không dưới 20 lần. Xe sang như thế không thể nào đi hộ đê, nhưng không hiểu sao họ vẫn được cấp phù hiệu “xe hộ đê”. Họ có phù hiệu và công lệnh điều động của cơ quan nên chúng tôi buộc phải miễn phí theo quy định chứ chẳng thể thu tiền vé”, anh Tuấn nói.

Dứt lời, anh Tuấn vội kéo chúng tôi quay trở lại trạm thu phí khi nhận được tin báo đang có cự cãi giữa tài xế xe hộ đê và nhân viên thu phí tại khu vực cabin. Lúc này là 9h51 sáng 7/9, chiếc xe 7 chỗ biển trắng hiệu Toyota BKS 14A-048.67 đỗ chình ình trước làn soát vé hướng Hải Phòng - Hà Nội, trên kính xe gắn “lá bùa” xe hộ đê của T.Ư to bằng tờ giấy A4. Lái xe đang đôi co với nhân viên về việc miễn phí, nhưng không xuất trình được công lệnh điều động đi làm nhiệm vụ. Ngay khi nhìn thấy có người giơ máy chụp ảnh, hướng ống kính về mình, tài xế này vội vàng rút tiền trả phí, rồi đạp ga đi thẳng.


Xe Lexus biển trắng 29A-127.27 qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình do camera ghi lại)

Xe Lexus biển trắng 29A-127.27 qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình do camera ghi lại)

Tràn lan xe doanh nghiệp, biển trắng

Từ số liệu thu thập được, chúng tôi trực tiếp đến cơ quan đăng kiểm trích xuất dữ liệu ngẫu nhiên một số xe biển trắng đeo phù hiệu “hộ đê” T.Ư đi qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Kết quả thật bất ngờ khi các xe này đều thuộc sở hữu tư nhân hoặc của những doanh nghiệp chẳng liên quan gì đến công tác phòng chống thiên tai, lụt bão.

Cụ thể, chủ sở hữu của chiếc xe Cadillac BKS 15A-154.68 (sản xuất năm 2014) là Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng (địa chỉ số 341 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng); Xe Lexus BKS 29A-127.27 (sản xuất năm 2010), chủ phương tiện là ông Lưu Quang Kiên (quận Tây Hồ, Hà Nội); Xe Mazda BKS 15A-326.89 (sản xuất năm 2016) chủ phương tiện là Công ty TNHH Thương mại, vận tải và du lịch Trang Anh (địa chỉ số 947 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hải An, TP Hải Phòng) và xe Toyota BKS 14A -048.67, chủ phương tiện là Lê Tuấn Minh (địa chỉ tại tổ 4, khu 4, Giếng Đáy, Hạ Long, Quảng Ninh).

Để làm rõ thực hư, chúng tôi mang hình ảnh và thông tin của 4 xe này (15A-154.68, 29A-127.27, 14A-048.67, 15A-326.89) sang Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục xác minh. Sau khi tiếp nhận thông tin và tiến hành rà soát, đại diện đơn vị này khẳng định, Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai chỉ cấp phù hiệu xe hộ đê T.Ư cho xe Lexus BKS 29A-127.27, không cấp biển hộ đê cho 3 xe còn lại.

Theo đại diện Cục Ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả thiên tai, xe Lexus BKS 29A-127.27 (chủ phương tiện là ông Lưu Quang Kiên, quận Tây Hồ, Hà Nội) được Cục cấp phù hiệu “xe hộ đê” T.Ư là theo văn bản đề nghị của Công an TP Hà Nội.

“Việc cấp biển hộ đê căn cứ theo văn bản của đơn vị đề nghị cấp. Trường hợp xe BKS 29A-127.27 được Cục cấp theo công văn đề nghị của Giám đốc Công an TP Hà Nội. Đối tượng sử dụng có được cấp đúng hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan đề xuất cấp biển hộ đê”, đại diện Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết.

Rất nhiều trạm thu phí khác trên cả nước đang đau đầu với tình trạng loạn xe đeo biển hộ đê. Trạm thu phí hoàn vốn BOT tuyến tránh Vinh (Trạm BOT Bến Thủy), từ đầu năm đến nay đã có 242 lượt xe hộ đê đi qua trạm được miễn thu phí đường bộ. Trong đó, có 174 lượt xe hộ đê T.Ư, 68 lượt xe hộ đê của Nghệ An. Đáng nói, ngoài những xe công vụ mang BKS màu xanh có gắn biển hộ đê, không ít xe tư nhân, doanh nghiệp mang BKS màu trắng cũng có biển ưu tiên này.

Trong danh sách các xe hộ đê đã qua trạm này, không khó phát hiện ra các xe biển trắng như: 30E-211.69, 30E-558.19, 29A-127.27, 30E-850.86, 29D-307.95... Các xe này khi qua trạm đều được nhân viên ghi lại vào sổ tay và có đánh dấu riêng để phục vụ công tác kiểm tra, báo cáo cấp trên khi được yêu cầu. Chị Đậu Thị Liên, Trưởng ca trực thu phí sáng 5/9, cho biết, từ năm 2018 tới nay, trạm thực hiện kiểm soát chặt hơn, nên số lượng xe được hưởng ưu tiên như trên đã giảm nhiều lần so với các năm trước.

Phối hợp với đơn vị kiểm tra ngẫu nhiên một số xe hộ đê biển trắng. Kết quả, các xe này thuộc diện tư nhân, xe doanh nghiệp không liên quan gì đến đê điều. Đặc biệt hơn, xe sang Lexus BKS 29A-127.27 chủ xe là Lưu Quang Kiên, trú tại 45D, Tổ 46, cụm 9, đường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) rất nhiều lần được miễn phí qua trạm BOT Bến Thủy, đồng thời đã được nêu tên khi qua trạm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cùng đó là hàng loạt xe tư nhân khác như: Honda CRV BKS 30E-558.19 chủ xe là Nguyễn Thị Huyền - TDP1, CN2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Ford BKS 30E-850.86 chủ xe Đỗ Văn Thông - Khu THNCNC Thanh Xuân, Hà Nội.

Xe doanh nghiệp cũng được cấp phù hiệu “xe hộ đê” như xe BKS 29D-307.95 - Công ty SOS Môi trường (Phòng 1036, NA5, Làng quốc tế Thăng Long, Trần Đăng Ninh, Hà Nội); Xe BKS 30E-211.69 - Công ty CP Dầu khí và Kinh doanh tổng hợp (Tổ 23, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện nhiều ở Trạm thu phí hoàn vốn BOT Nghi Sơn - Cầu Giát. Ông Trần Quốc Huy, Phó trạm trưởng Trạm thu phí Hoàng Mai than: “Có thời điểm xe hộ đê được cấp tràn lan khiến chúng tôi cảm giác như “cứ xin là cho, xin là cho”.

“Hiện cách kiểm tra xe hộ đê thật hay giả chỉ có thể làm thủ công và dựa vào kinh nghiệm. Bởi, danh sách các đơn vị cấp tuy có số xe cụ thể, nhưng thời gian cấp lại không đồng nhất, lúc 1 tháng, khi lại 3 tháng, 4 tháng rất khó quản lý”, ông Huy cho biết thêm.

Trời nắng chang chang, xe hộ đê vẫn lũ lượt chạy

Theo thống kê của Công ty Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, năm 2016 có 37.538 lượt xe hộ đê lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được miễn phí; năm 2017 là 25.103 lượt xe hộ đê được miễn phí và 8 tháng đầu năm 2018, số lượng miễn phí cho xe hộ đê tại dự án này là 4.294 lượt xe. Quy đổi ra số tiền miễn phí cho các xe này lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Lê Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm thu phí của Vidifi cho biết, đối với các xe biển trắng đeo phù hiệu xe hộ đê đều tiến hành kiểm tra công lệnh. Xe nào có công lệnh điều động mới được miễn phí. Nhưng cách cấp công lệnh hiện muôn hình muôn vẻ, không theo quy định chung nào. Xe được cấp công lệnh 2-3 ngày; xe một tuần, một tháng, thậm chí có xe khi chúng tôi kiểm tra họ còn xuất trình công lệnh của cơ quan cấp cho đi phòng, chống lụt bão cả năm.

“Nhiều thời điểm, trời quang mây tạnh, nắng chang chang vẫn có hàng chục lượt xe đeo biển trắng gắn phù hiệu hộ đê qua trạm, trên xe chỉ có một mình tài xế, hoặc xe chở theo gia đình, cả trẻ em giống như đang đi du lịch. Thế nhưng, khi kiểm tra họ đều xuất trình công lệnh đi phòng chống lụt bão. Không ít tài xế khi được chúng tôi yêu cầu dừng lại, xuất trình công lệnh để xác minh, đối chiếu còn đe dọa, thách thức, đòi đánh cả nhân viên thu phí”, ông Hùng chia sẻ.

Theo: Nhóm PV

Giao Thông

Lạ lùng loạt xe Cadillac, Lexus... cũng có phù hiệu "hộ đê” - 3