1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

La liệt đồ chơi không tem chứng nhận kiểm định chất lượng

(Dân trí) - Trên phố, trong chợ hay những cửa hàng tạp hóa cạnh các trường học ở Thủ đô Hà Nội, TP.Huế và các huyện lân cận, đồ chơi trẻ em không dán tem chứng nhận kiểm định chất lượng bày bán tràn lan. Trong khi đó, một mùa trung thu nữa lại đến…

La liệt đồ chơi không tem chứng nhận kiểm định chất lượng - 1
Đồ chơi bắt mắt, nhiều chủng loại nhưng thiếu tem kiểm định chất lượng (ảnh: Đại Dương).
 
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, sản phẩm đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc chiếm phần nhiều trên các sạp đồ chơi. Tại phố Lương Văn Can (Hà Nội), rất khó để tìm những món đồ chơi “made in Vietnam” có mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt như hàng Trung Quốc.
 
Và khi được hỏi về tem chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm CR, chủ các sạp hàng đều lắc đầu bảo “không có” hoặc trả lời vòng vo nhằm trấn an tâm lý người tiêu dùng.
 
Dưới chân lầu Chuông, chợ Đông Ba (TP.Huế), phóng viên chưa kịp thắc mắc về tem dán đảm bảo chất lượng, chị chủ hàng mau miệng: “Anh yên tâm đi, toàn bộ đồ chơi của em đây giá rất rẻ, tuy từ Trung Quốc về nhưng nhãn mác đàng hoàng. Con nít cầm chơi hết …cả đời không bị chi mô”.
 
Giải thích về chiếc tem CR, chị chủ cửa hàng nói: “Tem CR chỉ được dán ở kiện hàng chứa đồ chơi và đã được kiểm định chặt chẽ khi qua cửa khẩu. Còn từng hộp đồ chơi ở đây tụi em không có tem, vì có… quá nhiều đồ chơi trong một kiện hàng, ai hơi sức mô mà dán".
 
Nhiều gian hàng tại chợ Đông Ba khi được hỏi về tem CR có vẻ “cảnh giác” và đều có câu trả lời chung chung: tất cả đều có nhãn nhưng đều dán ở ngoài thùng chứa. Bà Oanh, chủ một cửa hàng đồ chơi nhỏ ở đường Lê Thánh Tôn cười nói vô tư: “Chú thấy tui bán hết hàng đó không. Quan trọng là mình chiều khách thôi chứ có tem hay không tem tụi con nít hay ba mẹ nó có quan tâm chi mô. Thấy đồ chơi đẹp, rẻ là họ mua thôi à”.
 
Thị trường đồ chơi cho trẻ em hiện rất phong phú về mẫu mã và màu sắc, giá tiền năm bảy loại, rẻ vài chục nghìn, đắt có giá tiền triệu. Ít tiền có thể mua các mô hình lính nhựa, mặt nạ quái vật, người Nhện, người Dơi… nhiều tiền thì có “Robot đại chiến”, “Người Sắt”, “X - Men” với nhiều chức năng như cử động, kêu gào, chạy nhảy.
 
Nhiều xe đua, máy bay chơi bằng bộ điều khiển với giá từ 100.000 đồng - 150.000 đồng được chủ hàng quảng cáo là bán rất chạy. Theo khảo sát của chúng tôi, tất cả đồ chơi trên đều không có dán nhãn hay tem gì ở trên.
 
Đồ chơi là một trong những món quà mà các ông bố, bà mẹ lựa chọn cho con mình trong mỗi dịp tết của trẻ nhỏ. Và chất lượng đồ chơi không song hành với mẫu mã, giá tiền đang là nỗi lo của hầu hết các bậc phụ huynh, bởi trên thực tế đã tồn tại nhiều loại đồ chơi không rõ xuất xứ gây hại cho trẻ nhỏ.
 
Anh Trần Sơn, ông bố của bé gái 5 tuổi chia sẻ: “Khi mua đồ chơi cho con, tôi đặc biệt quan tâm tới tính an toàn của sản phẩm. Điều đó có nghĩa là đồ chơi của bé phải được làm bằng chất liệu tốt, không gây tổn hại sức khỏe hay sự phát triển của bé. Khi mua đồ chơi cho con, tôi chú trọng vào thương hiệu đã được người tiêu dùng tin cậy”.
 
Tại TPHCM, tiểu thương kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em ở các chợ đều đã nghe thông tin từ ngày 15/9 rằng đồ chơi phải gắn tem CR nếu không sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên, vì chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào nên họ vẫn thản nhiên trả lời: không biết.
 
La liệt đồ chơi không tem chứng nhận kiểm định chất lượng - 2
Tại TPHCM còn la liệt đồ chơi trẻ em chưa gắn dấu CR. (ảnh: Hoài Nam)
 
Thực tế khảo sát, không dễ tìm sản phẩm nào được gắn tem CR trên hầu hết đồ chơi từ hàng tồn đến hàng mới nhập tại các chợ và điểm bán lẻ.
 
Người bán có chung thắc mắc về những đồ chơi nhỏ lẻ đóng theo kiện như viên bi, trái bóng không có bao bì hoặc đồ chơi bằng giấy có cần dấu hợp chuẩn hay không? Nếu dán thì dán lên đâu? Thế nên, nhiều người cho rằng, phải chờ đến khi bị cơ quan quản lý đến tịch thu thì mới rõ hàng nào được kiểm định, hàng nào chưa.
 
“Hồi tháng 4 ai cũng nói đồ chơi không kiểm định, không dấu hợp chuẩn sẽ không được bán nhưng rồi chưa thấy thực hiện. Và phải có hướng dẫn cụ thể thì chúng tôi mới biết mà làm. Chúng tôi chỉ là người mua về để bán thôi chứ có phải mình làm ra đâu mà biết nó xấu tốt thế nào”, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em Kim Hà (gần chợ Bình Tây) băn khoăn.
 
Hơn nữa, nhiều cửa hàng chưa thấy các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp đến thu hồi hàng không có tem mà họ đã nhập trước đây. Nhưng cũng có cửa hàng đã có trong tay từng xấp tem từ doanh nghiệp sản xuất đưa xuống để họ tự dán lên sản phẩm mà không hay biết là mặt hàng đó có đạt tiêu chuẩn hay không.
 
Về phía các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi khu vực phía Nam, nhiều đơn vị đang chạy đua gắn dấu hợp chuẩn cho đồ chơi trước khi quy định của Bộ Khoa học Công nghệ được thực hiện. Họ dán dấu hợp quy với đồ chơi đang ở trong kho, còn với những mặt hàng đã xuất, sẽ giao tem cho các đại lý tự dán. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn làm thủ tục đăng ký chất lượng để xin tem CR. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ vẫn chưa nắm được thông tin để đi làm thủ tục xin cấp tem.
 
An Hạ - Đại Dương - Hoài Nam