“Lạ đời” hàng quán thời 4.0: Không mặt tiền, không nhân viên, không shipper vẫn “phất” lên
(Dân trí) - Không cần đầu tư và tốn kém quá nhiều chi phí, sự "phù phép" của những nền tảng giao nhận thức ăn thời 4.0 đã khiến việc kinh doanh của loạt hàng quán được dịp "phất" lên không tưởng.
Bất ngờ doanh thu tăng hơn chục lần
Trước khi hợp tác với nền tảng giao thức ăn trực tuyến, doanh thu của quán bún thịt nướng Hoàng Cẩm (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường chỉ loanh quanh ở mức vài triệu đồng mỗi tuần. Nhưng có ai ngờ rằng, con số này đã tăng gấp nhiều lần sau vài tuần quán này “bắt tay” với dịch vụ giao đồ ăn.
Điều đáng nói là quán không phải đầu tư thêm mặt bằng, thuê thêm nhân viên hay bỏ chi phí quảng cáo. “Duy trì chất lượng món ăn, đưa quán lên app (GrabFood – PV) rồi đầu tư một chút về mặt hình ảnh, làm lại menu theo đề xuất của bên ứng dụng là thấy quán có đơn đặt hàng tới tấp, doanh thu tăng lên quá trời” – anh Nguyễn Văn Cẩm, chủ quán hồ hởi cho biết.
Quán bún thịt nướng Hoàng Cẩm không phải là trường hợp duy nhất “phất” lên nhờ dịch vụ giao thức ăn trực tuyến. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn tận dụng hình thức kinh doanh mới này đều ghi nhận doanh thu tăng vọt. Thậm chí, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn dù đã quen với cảnh các shipper xanh đỏ rồng rắn xếp hàng trước cửa tiệm để đặt món mỗi ngày vẫn chưa hết ngạc nhiên về hiệu quả của việc đầu tư không tốn kém này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - chủ quán cơm gà 142 (Quận 8, TP.HCM) cho biết: “Việc “lên app” không nằm ngoài mục đích bán được nhiều hơn vì quán nằm khá sâu trong đường nhỏ, khó “bắt” khách”. Tuy nhiên, bà cũng không ngờ lượng khách đến quán mỗi ngày đông đến “giật mình”, lượng đơn hàng cũng tăng gấp 3 - 5 lần trước kia.
Có thể nói, kinh doanh dựa trên nền tảng giao thức ăn trực tuyến là kết quả tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. “Tinh giản” đến mức tối đa những rườm rà về nhân sự, công nghệ, vận hành, giao hàng, thậm chí là phí quảng cáo, mô hình kinh doanh này giúp những quán ăn, đặc biệt vừa và nhỏ hạn chế về kinh phí có thể dễ dàng phát triển, đặc biệt là “sống sót” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện tại.
Khi “gánh nặng” được san sẻ bớt, các quán ăn có thể tập trung theo đuổi việc kinh doanh và phát huy những thế mạnh riêng, nhất là việc đầu tư vào chất lượng món ăn – yếu tố cốt lõi thu hút và giữ chân khách hàng. “Ban đầu, nghĩ cũng là quán nhỏ, mình không chú trọng mấy ở khâu hình ảnh, đóng gói. Sau hợp tác và nhờ GrabFood gợi ý, mình cũng đầu tư hộp gói bắt mắt, “cao cấp” hơn. Ngoài ra, nhờ bên Grab hỗ trợ phân tích dữ liệu khách hàng, chúng tôi mới biết món cơm gà cháy tỏi được nhiều khách đặt và chấm 5 sao nên cũng tập trung đầu tư cho món này nhiều hơn.” – bà Hồng Thu kể.
“Nghìn lẻ một" lợi ích khi "lên app"
Hiện tại, những ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến có đông đảo người dùng sử dụng xếp thứ tự theo nghiên cứu của GCOMM (công bố vào tháng 12/2018) gồm: GrabFood, Now, GoFood. Ngoại trừ Now thuần phát triển ở mảng giao thức ăn trực tuyến, GrabFood và GoFood đều đi lên từ nền tảng ứng dụng đặt xe vốn đã có sẵn hàng triệu khách hàng, hàng trăm ngàn tài xế.
Như vậy, hợp tác với các nền tảng, các quán ăn tự nhiên sẽ tiếp cận được một lượng khách khổng lồ mà không phải mất quá nhiều chi phí quảng bá tốn kém. “Đặc điểm của khách khi đặt hàng qua app là ít khi mua lẻ một món, mà thường gọi nhiều món một lúc để tiết kiệm phí ship hoặc để đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi. Do đó, tuy số lượng đơn hàng chỉ có một nhưng đôi khi số lượng món bán ra bằng với việc phục vụ 3, 4 người đến quán.” – anh T.L.H, chủ một quán trà sữa phân tích thêm.
Ngoài ra, một số hàng quán còn có thể tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng đẹp vốn khá tốn kém. Chị Uyên Phương - chủ quán mì Ý A Hoài (Quận 1, TP.HCM) cho biết: “Quán tôi nằm sâu trong hẻm nên ít khách. Nhưng kể từ khi hợp tác với dịch vụ giao đồ ăn, tôi thấy không nhất thiết phải “chường” ra mặt tiền nữa vì khách ở đâu cũng “đến” được. Chỉ là quán khá nhỏ, để tránh tình trạng ách tắc khi tài xế đến lấy đồ ăn thì người bên phía GrabFood có gợi ý tôi chuyển sang dùng máy POS để nhận đơn tiện hơn, kết hợp cùng việc đặt “vệ tinh nhận hàng” ở đầu ngõ để tài xế đến lấy đồ ăn khỏi phải lặn lội xa xôi vào hẻm.”
Bên cạnh đó, trước khi dịch vụ giao thức ăn trực tuyến nở rộ, nhiều nhà hàng quán ăn cũng chủ động phát triển thêm mảng giao nhận thức ăn online. Tuy nhiên, chuyện phát triển đội ngũ shipper hay đảm bảo thời gian giao hàng nhanh là một bài toán “đau đầu”. Thậm chí, thức ăn giao đến không đúng kỳ vọng nhanh, nóng sốt… còn có thể khiến quán mất khách hoặc nhận được “review” không tốt. Trong khi đó, các nền tảng giao thức ăn lại có sẵn mạng lưới đối tác giao hàng rộng khắp, đồng thời đảm bảo giao nhanh từ 20-30 phút nên có thể giúp các hàng quán “gỡ khó” cho bài toán giao hàng.
Chưa kể, hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn, hàng quán còn được tiếp thị “miễn phí", tăng cơ hội kích thích nhu cầu người dùng thông qua các chương trình ưu đãi. Mặt khác, đóng vai trò như một cầu nối, một “người giám sát”, ứng dụng giao nhận thức ăn cũng cung cấp những góp ý của khách hàng để nhà hàng cải thiện dịch vụ.
Ở khía cạnh khác, mô hình kinh doanh mới này cũng giúp các “start-up” hăm hở bước vào lĩnh vực F&B dù chưa có lượng vốn dồi dào hay kinh nghiệm dày dặn. “Mình nhiều lần muốn kinh doanh đồ ăn vặt để thử sức nhưng “ngán” nhất thuê mặt bằng, kinh doanh online cũng được nhưng phải rành công nghệ, rồi quản lý, giao hàng, lên đơn các kiểu. Mình đi ăn thấy nhiều quán ăn nhỏ nhỏ nhưng hợp tác với các ứng dụng giao thức ăn mà đông khách lắm. Nên mình đang nghĩ đến việc mở quán rồi “lên app” – bạn Hồ Tuyết Mai (sinh viên QTKD – trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) chia sẻ về ý tưởng “start-up” đầu tay của mình.
Có thể nói, sự “bùng nổ" của dịch vụ giao thức ăn trực tuyến đã thổi một làn gió mới vào thị trường kinh doanh ăn uống tại Việt Nam. Theo đó, không mặt tiền, không nhân viên, không shipper vẫn có thể mở quán và làm giàu - chuyện tưởng như đùa lại hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0.