Kỳ vọng "hạt gạo số" mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam

Ninh An

(Dân trí) - Vi mạch bán dẫn được ví như hạt gạo của nền kinh tế số. Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp. Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ sau đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới cũng như để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, các công ty bắt đầu chuyển hướng đến các nước có thế mạnh trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng. Thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.

Trao đổi tại buổi họp báo chiều ngày 23/10 về Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn SEMIExpo Viet Nam 2024, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam - cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Kỳ vọng hạt gạo số mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam - 1

Ông Vũ Quốc Huy phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: NIC).

Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó trưởng ban thường trực.

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1018/2024 và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1018/2024.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để cùng nhau hợp tác, đầu tư phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tiềm năng này.

"Chưa bao giờ ngành của chúng tôi được Chính phủ và toàn xã hội quan tâm đến vậy", ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ông Yên cho biết ước mơ mang vi mạch về Việt Nam của mình từ 20 năm trước đã thành hiện thực.

Chuyên gia này nêu, vi mạch chính là "hạt gạo" của nền kinh tế số. Con chip cũng tương đương một hạt gạo thông thường. Việt Nam đã thoát nghèo nhờ hạt gạo và những chuyên gia như ông Yên có giấc mơ khác là chip vi mạch sẽ giúp chúng ta trở thành nước phát triển.

SEMIExpo Viet Nam 2024 diễn ra trong 2 ngày 7/11 và 8/11, với chủ đề "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu" . 

Bà Linda Tan - Chủ tịch SEMI Đông Nam Á - khẳng định triển lãm này là một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam - quốc gia mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và tập trung phát triển hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam sẵn sàng đóng góp đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu.