1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

(Dân trí) - Ngày 3/9, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh tòan cầu 2013 – 2014. Theo đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp hạng 70/148. Trong khi đó ngôi vị số 1 thế giới vẫn thuộc về Thụy Sỹ.

Kết quả xếp hạng trên được WEF đưa ra trên cơ sở đánh giá theo bộ chỉ tiêu gồm 12 tiêu chí, trong đó có thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, quy mô thị trường và môi trường kinh tế vĩ mô.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Năm nay số lượng nền kinh tế được đánh giá đã tăng từng 144 lên 148 và Việt Nam được xếp hạng 70 trong số này, tăng 5 bậc so với năm ngoái.

Trong phần tóm tắt về Việt Nam, WEF nhận định với việc tăng được 5 bậc, xếp hạng 70, Việt Nam đã giành lại được một nửa thứ hạng đánh mất hồi năm ngoái.

Sự thăng tiến này chủ yếu là do môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn (hạng 87, tăng 19 bậc) - sau khi “nhảy” lên mức gần 20%, lạm phát đã trở lại với mức một con số trong năm 2012 – và sự cải thiện trong chất lượng hạ tầng giao thông, dù vẫn còn ở mức rất thấp (hạng 82, tăng 13 bậc).

Việt Nam cũng có tiến bộ đối với tiêu chí về mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa (hạng 74, tăng 17 bậc) nhờ những rào cản thương mại thấp hơn và mức thuế đánh vào các doanh nghiệp thấp hơn.

Tuy đã có những tiến bộ đáng mừng trên, theo bản báo cáo này, nền tảng của nền kinh tế và sự thịnh vượng của Việt Nam vẫn còn mong manh. Trong 12 bộ chỉ số, chỉ có duy nhất chỉ số quy mô thị trường (hạng 36) là xếp trên hạng 57.

Trong khi đó một số chỉ số lại có sự sụt giảm, bao gồm hiệu quả của thị trường lao động (hạng 56, tụt 5 bậc) và sự phát triển của thị trường tài chính (hạng 93, tụt 5 bậc). Một tiêu chí khác cũng cần quan tâm đó là sự sẵn sàng về công nghệ (hạng 102, tụt 4 bậc).

Mặc dù các công nghệ mới vẫn đang được phổ biến tới người dân, các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra đặc biệt chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ mới trong kinh doanh (xếp hạng 128), do đó đã đánh mất đáng kể khả năng tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ.

Thụy Sỹ lần thứ 5 giữ ngôi quán quân

Ở phía trên bảng xếp hạng, cũng như năm trước, các nền kinh tế châu Âu chiếm thế áp đảo trong Top 10 vị trí cao nhất, với sự góp mặt của Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Hà Lan và Anh. Chỉ có 3 nền kinh tế châu Á nằm trong nhóm này, với Singapore ở vị trí số 2, Hồng Kông và Nhật lần lượt giữ các vị trí thứ 7 và thứ 9.

Một điểm đáng chú ý nữa là đại đa số các nước trong số 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất đều có chung điểm mạnh về sự đổi mới và khuôn khổ pháp lý vững mạnh.

Năm nay là năm thứ 5 Thụy Sỹ giành ngôi đầu về năng lực cạnh tranh, trong khi Đức và Mỹ đã tăng hai bậc lên các vị trí thứ 4 và thứ 5. Xếp ngay trên họ là Phần Lan ở vị trí thứ 3.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thăng hạng trở lại nhờ sự cải thiện về tình hình của thị trường tài chính và các cơ quan công quyền, cho dù vẫn còn những câu hỏi cần giải đáp về mức độ ổn định của nền kinh tế. Trong khi đó Đức cải thiện được thứ hạng nhờ hạ tầng và sự đa dạng của lĩnh vực kinh doanh.

Thụy Sỹ, quê nhà của những tập đoàn lớn như Nestle SA hay Novartis AG, được đánh giá cao nhất bởi luôn khuyến khích sự đổi mới cùng thị trường lao động hiệu quả. Các cơ quan công quyền của nước này được miêu tả nằm trong nhóm hiệu quả nhất, minh bạch nhất. Trong khi đó nền kinh tế được đánh giá là thuộc hàng ổn định nhất.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi đang suy yếu, chỉ có Nga, một trong các thành viên của BRIC, đã cải thiện được thứ hạng của mình khi tăng 3 bậc lên thứ 64. Trung Quốc vẫn giữ nguyên vị trí 39 trong khi Brazil tụt 8 bậc xuống thứ 56. Ấn Độ tụt một bậc xuống hạng 60. Trong khi đó Indonesia là nước thăng tiến mạnh mẽ nhất trong nhóm G20 khi “nhảy” từ hạng 50 lên 38.

Các quốc gia được giải cứu tại châu Âu được bản báo cáo đề nghị giải quyết những yếu kém trong thị trường và tăng cường đổi mới. Hy Lạp đã tăng 5 bậc, từ hạng 96 lên 91, còn Tây Ban Nha cũng nhích một bậc lên hạng 35. Italia lại tụt tới 7 bậc xuống vị trí 49, xếp sau cả Barbados và Lít-va.

Trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất (G7), Nhật Bản tăng được một bậc lên hạng 9, trong khi Anh và Pháp cùng rớt 2 bậc xuống hạng 10 và hạng 23. Canada tiếp tục duy trì hạng 14.

Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng là Chad. Quốc gia châu Phi này đã bị rớt 9 bậc so với năm trước.

Thanh Tùng
Theo WEF, Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm