Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:

Kinh tế tư nhân cần tăng 11%/năm để GDP đạt mức tăng trưởng 2 con số

Ninh An

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh để GDP Việt Nam từ năm 2026 đạt mức tăng trưởng 2 chữ số, doanh nghiệp ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.

Doanh nghiệp đóng góp 60% GDP

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.

Riêng năm 2024, trên 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước", Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh những kết quả, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều  khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Tư duy kinh doanh vẫn mang tính "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các lĩnh vực mới, có tính dẫn dắt để tạo động lực bứt phá, lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn. Sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để. Ngoài ra, thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Kinh tế tư nhân cần tăng 11%/năm để GDP đạt mức tăng trưởng 2 con số - 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI).

Khu vực tư nhân cần tăng trưởng 11%/năm

Năm 2024, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới. Xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu NSNN ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%.

Chính phủ đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về Kỷ nguyên phát triển mới và mục tiêu chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Để đạt được mức tăng trưởng 2 con số thì khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 6 định hướng và giải pháp. Trong đó, các giải pháp nhấn mạnh nhiều tới việc xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...