Kinh tế TPHCM: Từ "thành trì" đến "thành thị"

(Dân trí) - Với chỉ hơn 300 năm xây dựng và phát triển - tính từ khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai, thiết lập các cơ sở hành chính đầu tiên của người Việt vào năm 1698, TPHCM được xem là “thành phố trẻ” của một đất nước ngàn năm văn hiến.

Thành phố trẻ

Theo PGS.TS Võ Văn Sen (Đại học Quốc gia TPHCM), trong những thế kỷ 17-18, giống như nhiều khu vực tập trung đông cư dân ở Đàng Trong, Sài Gòn đóng vai trò là một trung tâm chính trị, quân sự (thành trì) hơn là một trung tâm kinh tế - xã hội (thành thị). Yếu tố “thành” là khởi đầu của các đô thị ở Đàng Trong nhưng yếu tố “thị” mới là luồng sinh khí hình thành nên các trung tâm kinh tế, xã hội.

Từ nửa đầu thế kỷ 19, Sài Gòn đã định hình được vị trí là trung tâm kinh tế hàng đầu ở Nam bộ. Sài Gòn - Gia Định thời kỳ 1954-1975, quy mô dân số tăng nhanh từ 1,6 lên 3,6 triệu dân, trở thành đầu mối giao lưu giữa các vùng miền và cửa ngõ quốc tế, là thành phố động lực mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản ở miền Nam.

Bến Thành xưa đã là trung tâm thương mại sầm uất của Sài Gòn - Gia Định.

Bến Thành xưa đã là trung tâm thương mại sầm uất của Sài Gòn - Gia Định.

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện nên Sài Gòn gần như nguyên vẹn sau chiến tranh. Năm 1982, Nghị quyết số 01-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng TPHCM sau giải phóng: “từ một thành phố tiêu thụ chuyển sang một thành phố sản xuất, từ kinh tế phục vụ chiến tranh và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài chuyển sang kinh tế độc lập, phục vụ dân sinh và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Từ đó, nền kinh tế TPHCM chuyển sang nền kinh tế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa với kinh tế quốc doanh và tập thể đóng vai trò chủ đạo. Hầu hết các xí nghiệp tư nhân lớn và vừa được quốc hữu hóa để trở thành các doanh nghiệp quốc doanh. Giai đoạn 1976-1980, tỷ trọng công nghiệp quốc doanh chiếm 70-75% và tỷ trọng kinh tế tập thể chiếm hơn 21% giá trị tổng sản lượng công nghiệp. 

Tuy nhiên, thời điểm này, việc áp dụng một cách thụ động, chủ quan, duy ý chí, mang nặng tính áp đặt cơ chế kinh tế mới, cộng thêm các yếu tố khách quan như mất hẳn thị trường và nguồn cung cấp máy móc, nguyên vật liệu từ phương Tây và Nhật Bản, sự rút lui của bộ phận đáng kể tư sản Hoa Kiều, ảnh hưởng chính sách cấm vận của Mỹ… đã làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng suy giảm. GDP của TPHCM những năm 1976-1980 chỉ ở mức bình quân 2,2%/năm.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, yếu kém đó, kinh tế TPHCM đã từng bước “bung ra”, từng bước loại bỏ dần cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Theo số liệu của Viện Kinh tế TPHCM, cuối năm 1985, trong bối cảnh cả nước chưa thoát khỏi khủng hoảng, TPHCM với khoảng 6% dân số cả nước đã đóng góp 19% tổng sản phẩm xã hội và 17,4 thu nhập quốc dân của cả nước.

PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng, chính cá tính TPHCM đã tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế

PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng, chính "cá tính" TPHCM đã tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế

“Cá tính ” TPHCM

Theo TS Lê Hữu Phước, TPHCM chính là “chuột bạch” khi từ góp phần kiến tạo đến đi đầu triển khai đường lối đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh như Bột giặt miền Nam, thuốc lá Vĩnh Hội, dệt Thành Công… chủ động “phá rào”, vượt qua những quy định không phù hợp để kinh tế giải phóng sức sản xuất, giải tỏa phân phối lưu thông. Việc “phá rào” trong kinh tế vào “đêm trước đổi mới” không chỉ giải quyết được những khó khăn, ách tắc tại các cơ sở mà còn hỗ trợ cho những cách suy nghĩ mới.

Do ảnh hưởng của cải cách “giá - lương - tiền” nên giai đoạn 1986-1990, kinh tế TPHCM có sự sụt giảm tăng trưởng. Nhưng những chủ trương chính sách đúng đắn của đường lối đổi mới, kinh tế TPHCM đã thay đổi nhanh chóng diện mạo sau hơn 20 năm bước ra khỏi chiến tranh và khủng hoảng. Năm 2000, TPHCM đóng góp khoảng 19% cho GDP cả nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, TPHCM có tốc độ phát triển kinh tế khá cao, nhất là giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân đạt 11,2%/năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên 1,5 lần của cả nước. Năm 2010-2014, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (2007-2010) và cuộc “đại suy thoái kinh tế toàn cầu” từ năm 2009 nhưng TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%/năm. 

Cơ cấu kinh tế TPHCM duy trì tỷ lệ: dịch vụ 53%, công nghiệp, xây dựng 45,8%, nông nghiệp 1,2%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 54%, kinh tế nhà nước 20%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 25%, kinh tế tập thể chiếm 1%. TPHCM đóng vai trò là hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với mức đóng góp GDP trung bình hằng năm khoảng 60% trong vùng và 30% trong tổng GDP của cả khu vực Nam bộ.

Bộ mặt của TPHCM sau 40 năm đổi mới: năng động, hiện đại, văn minh

Bộ mặt của TPHCM sau 40 năm đổi mới: năng động, hiện đại, văn minh

Kinh tế đối ngoại là thế mạnh của TPHCM trong thời kỳ đổi mới trên cả 3 lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA). Nhiều trung tâm thương mại hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza, Saigon Square, Parkson Sài Gòn… TPHCM đã hình thành hệ thống 16 khu chế xuất - khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, có nhiều cơ sở để cho kinh tế TPHCM phát triển mạnh, năng động nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là… “cá tính” của TPHCM.

“Sự trẻ trung, đa dạng, phóng khoáng, cởi mở… là những gì dễ nhận thấy trong tính cách người Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn - TPHCM nói riêng. Tính cách đó phần nào cũng thể hiện rõ nét trong cách thức làm kinh tế của người dân thành phố: năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá… “Cá tính” đó, nếu biết phát huy đúng cách sẽ là một động lực lớn trong phát triển kinh tế của thành phố”, PGS.TS Võ Văn Sen đánh giá.

Ngô Công Quang


 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”