“Kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến”
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) kết thúc ngày 23/4 đã ra tuyên bố nêu rõ, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến.
Tuyên bố nhấn mạnh kinh tế thế giới đã ghi nhận những bước tiến đáng khích lệ trong quá trình phục hồi, chủ yếu nhờ nỗ lực phối hợp chính sách của G-20; đồng thời nêu rõ cam kết của các nước tiếp tục nỗ lực chung nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng cũng hối thúc các quốc gia thành viên hành động để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng và ổn định hơn trong trung hạn.
Một chủ đề quan trọng được bàn thảo tại hội nghị lần này là kế hoạch rút dần các biện pháp hỗ trợ tài chính và kinh tế vĩ mô được chính phủ các nước áp dụng nhằm đối phó với khủng hoảng toàn cầu.
Theo quan chức tài chính các nước, đã đến lúc các nước cần cân nhắc một chiến lược thoái lui hợp lý, phù hợp điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Ngoài ra, giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng G-20 cũng thảo luận phương thức tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu - một nhiệm vụ khó khăn do sự chênh lệch về tốc độ phục hồi giữa những nền kinh tế phát triển và đang nổi lên.
Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đã thoát khỏi sự suy thoái kinh tế tốt hơn nhiều so với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu. IMF dự báo rằng các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng hơn 3% trong năm nay, trong khi con số này đối với các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển là hơn 6%.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-20 đã yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cân nhắc áp dụng các mức thuế đối với những ngân hàng lớn nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Tuy nhiên, trong vấn đề này vẫn tồn tại bất đồng trong nội bộ G-20. Trước đó, IMF đã khuyến nghị các ngân hàng và các thể chế tài chính khác nộp lệ phí để bù đắp chi phí cho các gói cứu trợ của chính phủ trong tương lai.
Ngoài ra, các bộ trưởng còn cho rằng sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế đã lắng dịu, thế giới cần tập trung nỗ lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị đã bị phủ bóng đen bởi "bóng ma" vỡ nợ của Hy Lạp và những quan ngại rằng tình hình ở quốc gia này có thể lặp lại ở các nước khác thuộc khu vực đồng euro. Sau nhiều tuần cân nhắc, Athens đã yêu cầu khoản hỗ trợ 45 tỷ euro (khoảng 60 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF nhằm vượt qua khủng hoảng nợ.
Các nước thành viên khu vực đồng euro như Bồ Đào Nha, Italy, Ireland và Tây Ban Nha hiện đang ngấp nghé "giới tuyến lửa". Trong khi đó, cũng có những ý kiến lo ngại về thực trạng kinh tế Mỹ và Anh.
Ra đời năm 1999 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, mục tiêu của G-20 là phối hợp hành động giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong việc giải quyết những thách thức lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G-20 năm nay diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân thường niên của hai thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới là Ngân hàng thế giới (WB) và IMF.
Theo TTXVN