Kinh tế khởi sắc, người dân “bạo tay” mua sắm
(Dân trí) - Tiêu dùng trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tốt cho thấy niềm tin vào sự phục hồi kinh tế gia tăng.
Báo cáo mới phát hành của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho hay, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,1%. Trong đó, quý I tăng 6,03% và quý II tăng 6,15%. Nếu loại trừ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng GDP quý II xấp xỉ quý I (6,52% so với 6,61%).
Với đà phục hồi trên, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.
NFSC đánh giá, tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,1% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) 13 tháng 5/2015 đạt 54,8 điểm – là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố tháng 4/2011.
Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện giúp duy trì thu nội địa cho ngân sách nhà nước. Lũy kế đến ngày 15/6/2015 thu nội địa tăng 16,4% so với cùng kỳ 2014, tăng xấp xỉ mức tăng 18,2% của cùng kỳ 2014.
Ngoài ra, Uỷ ban Giám sát Tài chính cũng cho rằng, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 là 1% và lạm phát cơ bản là 2,37%. Dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.
Tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tiêu dùng trong nửa đầu năm nay tăng trưởng tốt. Số liệu cụ thể cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giai đoạn này tăng 9,3-9,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2011- 2014.
Trước đó, một báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng do ngân hàng ANZ công bố cũng cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 6 duy trì mức cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn cho thấy niềm tin vào sự phục hồi kinh tế gia tăng. Cụ thể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 6 này đã tăng 2,9 điểm và đạt mức 143,1 điểm - mức cao kỷ lục.
Một con số đang chú ý về độ chịu chi của người tiêu dùng Việt trong những tháng đầu năm là số liệu về nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Số liệu mới được Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho thấy 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập trên 56.000 ô tô nguyên chiếc, tăng khoảng 30.000 xe so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có khoảng 18.000 xe từ 9 chỗ trở xuống.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, cả nước có 89.428 xe ôtô được đăng ký mới, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng đăng ký mới của xe máy chỉ là 1.105.498 xe, tăng 7,3%.
Ngoài xe ô tô, xe máy, lượng tiêu thụ các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là điện thoại cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK Temax Việt Nam cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2015, người Việt đã chi tới 36 nghìn tỷ đồng cho các mặt hàng công nghệ, tăng trưởng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó, điện thoại là nhóm doanh thu cao nhất với 15,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2%.
Tuy chịu chi hơn cho nhu cầu tiêu dùng nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cầu tiêu dùng vẫn phần nào bị “hãm” do có nhiều khoản chi mới, bất hợp lý phát sinh trong khi khả năng chi trả có hạn. Một khảo sát do Nielsen thực hiện cũng cho thấy, tâm lý người tiêu dùng trong nước vẫn ưu tiên hàng đầu là giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm khi có đến 86% người tiêu dùng tiết kiệm hơn và hơn 60% giảm chi tiêu cho quần áo mới, điện, gas, giải trí, hàng gia dụng...