Kinh doanh xăng dầu thua lỗ vì tốc độ tăng giá... chậm?
(Dân trí) - Năm 2012, báo lãi trước thuế gần 980 tỷ đồng song Petrolimex vẫn ghi nhận riêng mảng kinh doanh xăng dầu lỗ 125 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do phải làm nhiệm vụ bình ổn, tốc độ tăng giá bán lẻ không theo kịp tốc độ tăng giá sản phẩm và thuế nhập khẩu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 diễn ra ngày 25/5 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, trong năm 2012, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 200.847 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 978 tỷ đồng.
Trong số này, mặc dù khối xăng dầu kinh doanh có lãi nhưng riêng kinh doanh xăng dầu lỗ 125 tỷ đồng, kinh doanh khác của khối xăng dầu lãi 599, vì vậy đã bù đắp vào. Phần lãi trước thuế của khối xăng dầu chủ yếu nhờ phần cổ tức, lợi nhuận được chia (584 tỷ đồng).
Ông Trần Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Petrolimex.
Giải trình nguyên nhân khiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tập đoàn không đạt kế hoạch, ông Thịnh cho biết, do năm 2012 hoạt động kinh doanh xăng dầu không được vận hành một cách đầy đủ theo Nghị định 84. Phần lớn thời gian trong năm, các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo Liên Bộ Tài chính - Công Thương nhằm thực hiện các giải pháp của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể giá bình quân các sản phẩm và thuế nhập khẩu năm 2012 tăng khoảng 15% đối với xăng và 10% đối với dầu, trong khi giá bán lẻ trong nước chỉ được tăng khoảng 12% đối với xăng và khoảng 6% đối với dầu đã làm cho kinh doanh xăng dầu hầu như không có lợi nhuận.
Ông Thịnh cũng cho biết, trong năm vừa rồi, diễn biến giá dầu thô và sản phẩm có tính "dị biệt" - mặc dù giá sản phẩm binh quân cả năm chỉ tăng nhẹ từ 1-4% so với năm 2011 tuy từng sản phẩm, song nhiều thời điểm trong năm, giá sản phẩm biến động bất thường với biên độ lớn và khó dự liệu, các biệt có những sản phẩm mà chênh lệch giá ngày cao nhất so với giá ngày thấp nhất trong tháng lên tới 17 USD/thùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều hành giá của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như công tác đảm bảo nguồn của Tập đoàn.
Ngoài ra, với chính sách thắt chặt, kinh tế trong nước khó khăn, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất đã kéo theo nhu cầu xăng dầu của xã hội sụt giảm, qua đó tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex.
Trong khi đó, chi phí định mức kết cấu trong giá cơ sở chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Tại kế hoạch năm 2013, tuy xác định kinh tế năm nay vẫn khó khăn, Petrolimex đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng và doanh thu xấp xỉ với thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại nhắm đến mục tiêu tăng hơn gấp đôi (tăng 202%) đạt 1.980 tỷ đồng.
Bích Diệp