Kinh doanh vàng trang sức “chết đứng”

“Hơn 70% trong tổng số gần 3.000 DN kinh doanh vàng và nữ trang của TPHCM đang bế tắc trong kinh doanh do bị chặn nguồn vốn sản xuất và bị sự cạnh tranh quá lớn từ hàng sản phẩm nữ trang Trung Quốc”.

Đó là thực trạng được ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM cho biết tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM mới đây.

 

Có thể nói từ sau khi Nghị định 24 ra đời, DN kinh doanh vàng vốn đã khó khăn vì hoạt động sản xuất, kinh doanh bị giới hạn nay để có thể hoạt động kinh doanh vàng trang sức, DN còn phải chạy xin đủ loại giấy phép. Mà cụ thể ở đây là có tới 7 loại giấy phép đối với DN hoạt động trong ngành trang sức và hàng loạt điều kiện ràng buộc để DN tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
 
Kinh doanh vàng trang sức “chết đứng”

 

Bên cạnh đó, sau thời hạn tháng 6, các DN sản xuất, kinh doanh vàng bạc phải tất toán các khoản vay bằng vàng tại các ngân hàng, chuyển sang tiền đồng đối với các khoản vay. Nhưng sau đó việc vay vốn lại bị tắc bởi các NH giải thích rằng theo quy định không được cho vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức và mỹ nghệ. Điều này càng làm cho hoạt động kinh doanh thêm bế tắc.

 

Giám đốc một Cty kinh doanh vàng bạc lớn ở khu vực Bến Thành, TPHCM cho biết  hiện nay các DN trang sức mỹ nghệ đang gặp khó về vốn vì đã bị ngừng cho vay kinh doanh vàng, đồng thời cũng không được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nữ trang.

 

Hoạt động kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, các đầu mối mua vàng Cty từ trước đã giảm đi rất nhiều sau khi các cửa hàng vàng nhỏ không còn được kinh doanh vàng miếng. Trong khi đó, tiêu thụ nữ trang đã sụt giảm hẳn từ vài năm trở lại đây khi giá vàng lên cao.

 

Tại sao chỉ vì sợ đầu cơ, mà cơ quan quản lý lại đánh đồng và cấm DN không được nhập vàng nguyên liệu trong khi nếu nhập để sản xuất vàng nữ trang thì số lượng chỉ vài tấn mỗi năm, không đáng kể so với nhập để sản xuất vàng miếng?

 

Còn theo phản ánh của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM vì gặp quá nhiều khó khăn nên hiện nay nhiều DN vàng đã phải từ giã cuộc chơi, những DN lớn cũng đang đứng trước bài toán cắt giảm nhân sự, giảm lương, thu hẹp sản xuất.

 

Trong khi đó, với những người ở lại thì việc chống chọi để tồn tại cũng không hề đơn giản khi mà trong thời gian gần đây sau khi các DN trong nước ngừng sản xuất nữ trang vì khó khăn về vốn, thì nhiều thương nhân Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông nhân cơ hội này đưa hàng nữ trang thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

 

Theo phản ánh của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM thì hiện nay hàng Trung Quốc đang làm chủ thị trường về sản phẩm vàng trang sức, nữ trang. Trong khi đó, các DN ngành vàng thì đang “chết đứng” vì bị bó hẹp đủ thứ.

 

Trước tình hình đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng mới đây cũng đang chuẩn bị kiến nghị lên NHNN để thay đổi một số điểm trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP để được huy động và cho vay vàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Theo kiến nghị này thì các DN muốn được tiếp tục huy động và cho vay vàng, vì đây là nhu cầu tất yếu của DN và “các DN sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường như các tổ chức tín dụng”. Kiến nghị cũng cho rằng hiện NHNN chỉ mới ban hành quy định ngăn cấm TCTD huy động và cho vay kinh doanh vàng chứ chưa đề cập tới đối tượng DN.

 

Mặt khác, DN vẫn hoạt động dưới sự điều chỉnh của các luật hiện hành khác như Luật DN, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại - theo đó hoạt động vay và cho vay vàng với các đối tượng không phải tổ chức tín dụng hoàn toàn được thừa nhận.

 

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Vàng Việt Nam, nếu không giải quyết sớm bài toán nguyên liệu, thì ngành sản xuất nữ trang chỉ có thể, hoặc là đành phải sản xuất bằng vàng không rõ nguồn gốc, hoặc là thu hẹp sản xuất, mất thị phần xuất khẩu, đồng thời nhường luôn thị trường trong nước cho vàng nữ trang từ Trung Quốc. 

 

Theo Gia Miêu

Lao động