Kinh doanh trong “Thế giới phẳng, biên giới mềm”
Những khái niệm mới mẻ này đang được chính các nhà kinh doanh thẩm thấu bằng các hành động cụ thể.
Thế giới phẳng
Sách Thế giới phẳng của nhà kinh tế - nhà báo Thomas Friedman vừa phát hành bằng tiếng Việt: sự bùng nổ công nghệ ở bất cứ nơi nào trên hành tinh cũng được nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng để cung ứng các sản phẩm tốt hơn với giá thành rẻ hơn cho nhu cầu của con người ở mọi nơi trên trái đất…
Theo TS.BS Trần Thị Anh Tú, trong lĩnh vực y tế, thẩm mỹ, thế giới phẳng đã buộc người kinh doanh dịch vụ phải nhanh chóng tiếp cận các tiến bộ mới nhất của thế giới. Vì việc đi lại giữa các nước ngày càng dễ dàng, người dân có cơ hội so sánh chất lượng, kỹ thuật dịch vụ tại Việt Nam với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật, và cả tại Mỹ, Úc, Canada…
Do vậy, khi các công nghệ, các tiến bộ mới trong phẫu thuật, thiết bị siêu âm, laser, thiết bị phẫu thuật... vừa có ở nước ngoài là các nhà kinh doanh dịch vụ Việt Nam tìm cách mua ngay, dù giá máy khá đắt mà giá dịch vụ tại Việt Nam lại rẻ hơn 30-50% so với nước ngoài.
Ông Trương Hiếu, tổng giám đốc công ty gas TTAGAS nói về quyết định đầu tư 1 triệu USD cho nhà máy mới: "Mua công nghệ không khó, nhưng dám quyết định đầu tư mới khó.
Ra đời sau, công ty phải xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại hơn các nhà máy khác để vòng đời của công nghệ lâu hơn, sản phẩm và dịch vụ mang đến cho khách tốt hơn mới có cơ hội chen chân vào thị trường đã có nhiều tên tuổi lớn".
Biên giới mềm
Biên giới mềm mang hàm ý việc ngăn cách thị trường giữa các quốc gia sẽ chẳng còn, theo xu hướng hội nhập, tháo dỡ các rào cản kinh tế bằng chính sách tự do thương mại, giảm thuế... khi tiến vào AFTA và WTO.
Ông Văn Đức Mười, phó tổng giám đốc công ty Vissan cho rằng: hội nhập tạo ra thị trường biên giới "mềm", hàng hoá các công ty nước ngoài sẽ có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam bằng nhiều chiêu: giá rẻ, mẫu mã - khẩu vị - chủng loại mới, tiếp thị và quảng cáo mạnh... thì ngược lại hàng Việt Nam cũng có cơ hội tương tự với ưu thế giá cả, nguyên liệu nông sản - thực phẩm dồi dào...
Tính toán kỹ hơn, thì khi đã là "biên giới mềm" thì trụ chân ở nội địa vững chắc cũng có nghĩa như đã xuất khẩu mạnh.
Ông Phan Văn Kiệt, giám đốc điều hành Công ty may Việt Tiến phân tích: Khi lo hàng may mặc các nước tràn vào Việt Nam khi cánh cửa WTO mở ra thì cũng nên mừng là hàng Việt Nam có thể vươn ra thế giới.
Hiện chúng tôi đang mở mạng lưới phân phối ở 6 nước: Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Singapore và Malaysia; phối hợp với đối tác nước ngoài để nắm thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng từng nơi mà sản xuất hàng phù hợp.
Theo các nhà doanh nghiệp, muốn nắm cơ hội WTO phải có công nghệ, có quy mô và có con người quyết tâm mở cánh cửa thị trường mới.
Theo Bích Nga
Báo SGTT