1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh doanh dịch vụ cảng biển: Còn bất cập vẫn có lãi

(Dân trí) - Trái ngược với những khó khăn, thua lỗ của các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh dịch vụ cảng biển lại có lãi khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá trong 8 tháng đầu năm 2011.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng thông qua toàn cảng của Tổng Công ty hàng hải (Vinalines) tăng 115% so với cùng kỳ năm 2010. Nếu tính theo khu vực, sản lượng hàng thông qua tại phía Bắc vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Ví dụ như cảng Hải Phòng tăng 16%, cảng Quảng Ninh tăng 7%, cảng Vật Cách tăng 27%, cảng Đoạn Xá tăng 6%...

Kinh doanh dịch vụ cảng biển: Còn bất cập vẫn có lãi - 1

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển Việt Nam đều có lãi

Đơn cử về mức tăng trưởng tại một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khai thác cảng như: Công ty CP đại lý Hàng hải Việt Nam đạt doanh thu 260 tỷ đồng, lợi nhuận là 13 tỷ đồng; Cảng Hải Phòng doanh thu đạt 510 tỷ đồng, lợi nhuận 24 tỷ đồng; Cảng Đà Nẵng doanh thu 139 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4,6 tỷ đồng; cảng Quy Nhơn doanh thu 165 tỷ đồng, lợi nhuận 8,7 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Ngọc Huệ - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) cho biết: Không chỉ riêng trong năm 2011, mà trong năm 2010, sản lượng hàng thông quan cảng đạt những con số rất tích cực với trên 259 triệu tấn (tăng 29,5% so với mục tiêu 200 triệu tấn so với mục tiêu đề ra). Trong đó, hàng container đạt trên 6,52 triệu TEUs, điều này cho thấy xu thế container hóa ngày càng tăng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển của ngành hàng hải trong thời gian tới, đặc biệt là vấn để phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam.

Được biết, hiện cả nước đã có trên 45km cầu cảng, nhưng chưa có hệ thống cảng container đạt chuẩn quốc tế.

Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Huệ cũng thừa nhận: “Ngành hàng hải vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc về tính đồng bộ, thống nhất giữa chính sách hàng hải với Luật hàng hải; chính sách của một số ngành, lĩnh vực khác với luật hàng hải còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần sớm được điều chỉnh phù hợp; các cầu cảng, bến cảng bố trí manh mún, thiếu cảng có quy mô lớn, chưa hiện đại và chuyên dụng hóa".
 
Kinh doanh dịch vụ cảng biển: Còn bất cập vẫn có lãi - 2
Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam chưa đồng bộ, chưa có tên trong danh mục “tìm kiếm” của hệ thống quản lý container toàn cầu
 
"Hiện Việt Nam chưa có cảng trung chuyển quốc tế và việc kết nối giữa cảng với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa còn bất cập. Thiếu các trung tâm phân phối hàng hóa sau cảng. Điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của cầu cảng, bến cảng còn hạn chế. Phần lớn các tuyến luồng vào cảng đều có độ sâu hạn chế và luôn bị tác động mạnh từ thiên nhiên; Hệ thống báo hiệu hàng hải đa phần là thiết bị truyền thống; thiếu hệ thống điều hành, kiểm soát đối với hoạt động hàng hải (VTS, LRIT…) và chưa hình thành sự kết nối tương thích giữa thiết bị trợ giúp hàng hải với hệ thống công nghệ thông tin điện tử viễn thông hàng hải…” - ông Huệ cho hay.

Điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có cảng nào của Việt Nam có tên trong danh mục “tìm kiếm” của hệ thống quản lý container toàn cầu. Đây là mạng công nghệ thông tin về hàng hoá được kết nối với tất cả các cảng container trên thế giới có sử dụng phần mềm đạt chuẩn quốc tế. Và nhờ đó, các chủ hàng, dù ở bất cứ đâu trên thế giới vẫn có thể biết chính xác hàng hoá của mình đang ở vị trí nào, tại cảng nào và do tàu nào vận chuyển...

Việt Nam được xác định là 1 quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển. Các cảng nước sâu sẽ là thế mạnh đột phá hướng ra biển trong tương lai… Nhưng, Việt Nam hiện chưa có cảng biển nào có phần mềm quản lý container đạt chuẩn quốc tế, điều này có nghĩa là vẫn còn là “khoảng trắng” trên bản đồ cảng thế giới.

Giới phân tích kinh tế ngành hàng hải cho rằng, để giải quyết những tồn tại nêu trên thì cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 7 giải pháp gồm: xây dựng, hoàn thiện pháp luật hàng hải; triển khai đồng bộ quy hoạch và chính sách phát triển ngành; tổ chức cán bộ, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực ngành hàng hải; tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách hàng hải; tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng ngành hàng hải; bảo đảm an toàn, an ninh và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong giao thông hàng hải, nâng cao chất lượng về công nghệ thông tin đáp ứng đòi hỏi trong tình hình với…

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm