Kinh doanh bóng đá như Real

Lâu nay, người ta thường nghĩ các câu lạc bộ bóng đá lớn như Real Madrid, giàu lên được là nhờ tiền bán bản quyền truyền hình, quảng cáo, bán vé xem thi đấu, nhưng có đến sân vận động Estadio Santiago Bernabeu có sức chứa trên 80.000 khán giả thuộc sở hữu của Real Madrid mới thấy kinh doanh bóng đá không chỉ có vậy.

11 giờ sáng ở Tây Ban Nha có ánh mặt trời na ná như 8 hay 9 giờ sáng ở Việt Nam, tức còn rất sớm để đi thăm thú. Ấy thế mà đã có ít nhất 20 chiếc xe loại lớn đưa khách du lịch đến trước cửa sân vận động và hàng trăm du khách xếp hàng mua vé ở phía đường Castellana. Họ mua vé giá 10 euro mỗi người không phải để xem bóng đá, vì các trận bóng đá ở Tây Ban Nha mùa hè thường diễn ra vào 9 giờ tối, mà để tham quan sân vận động. Chiếc thang máy đưa du khách lên tầng cao, gần sát mái vòm để từ đó có thể nhìn được toàn cảnh sân vận động rồi sau đó cũng bằng thang máy, đi ngược trở xuống, vào khu vực trưng bày của câu lạc bộ lừng danh này.

 

Dù là sân bóng đá nhưng cách kinh doanh và hướng dẫn du lịch ở đây rất chuyên nghiệp. Hình ảnh của câu lạc bộ, của cầu thủ, huấn luyện viên hay của sân vận động qua các thời kỳ được tái hiện bằng hình ảnh phóng to hay các đoạn phim video phát liên tục trên hàng trăm màn hình lớn nhỏ khác nhau gắn ở trên tường.

 

Những ai yêu mến câu lạc bộ này có lẽ chẳng muốn rời khu vực trưng bày các thành tích của câu lạc bộ, từ những chiếc Cúp C1, Cúp UEFA của châu Âu hay Cúp Nhà vua Tây Ban Nha, Cúp giải vô địch quốc gia La Liga và hàng trăm cúp, kỷ niệm chương được trưng bày trong tủ kính. Cạnh đó là những màn hình phát đi phát lại cảnh những trận đấu lớn, những bàn thắng đẹp của câu lạc bộ và âm thanh quyến rũ người mê bóng đá trong những trận đấu đỉnh cao hay âm thanh của bài hát truyền thống của câu lạc bộ.

 

Rời khu vực trưng bày, du khách được hướng dẫn đi dần vào sân vận động, thử ngồi trên chiếc ghế nhựa của khán đài, rồi đi ven đường biên tới khu vực kỹ thuật dành cho huấn luyện viên và cầu thủ dự bị của hai đội mỗi khi trận đấu diễn ra. Nhiều người cố gắng ngồi một lần ở nơi các huấn luyện viên và cầu thủ lừng danh thế giới đã từng ngồi trong mỗi trận đấu, rồi sau đó đi vào đường hầm dành cho cầu thủ hai đội ra vào sân vận động, xem phòng thay đồ, nhà vệ sinh, bồn ngâm nước, nhà tắm chung của cầu thủ sau khi kết thúc trận đấu và không quên ngồi lên chiếc ghế dành cho các huấn luyện viên trong phòng họp báo trước và sau trận đấu.

 

Sau khi bước ra khỏi khu vực phòng họp báo du khách sẽ được đưa tới khu vực bán hàng lưu niệm. Đây mới thực sự là khu vực kinh doanh du lịch bởi tấm vé 10 euro của du khách chẳng đáng là bao so với số tiền mà du khách bỏ ra để mua các món hàng lưu niệm.

 

Nói là khu vực bán hàng lưu niệm song không khác gì một siêu thị bán hàng thể thao đồ sộ. Ở đây gần như không thiếu bất kỳ một dụng cụ thể thao nào nhưng tất cả vật phẩm, từ mũ, quần áo, giày vớ, các loại quả bóng, móc khóa... đều có gắn logo Real Madrid. Điều đặc biệt là nhiều sản phẩm bày bán ở đây có xuất xứ từ Việt Nam. Trong khu vực bán các quả bóng cao su nhiều kích cỡ khác nhau có in logo Real Madrid người viết bài này xem kỹ thì thấy có dòng chữ “Made in Vietnam”, rất tiếc là không thấy ghi tên của nhà sản xuất. Giá cả không rẻ chút nào, một món quà nhỏ như cái móc chìa khóa cũng hơn chục euro, hay chiếc áo pull thể thao thì có giá 50 hay 100 euro và khách du lịch không ngần ngại khi móc ví mua những sản phẩm có gắn tên của đội bóng.

 

Cách đó không xa là nhà hàng mang tên sân vận động, một quầy bar nằm ở phía đường Concha Espina mà những người yêu thích câu lạc bộ tới đó tán gẫu trước và sau mỗi trận đấu. Trước mặt nhà hàng có hai chậu cảnh loại lớn, trong đó có trồng nhiều cây tre, không biết có phải  đưa từ Việt Nam sang hay không?

 

Hy vọng một ngày nào đó, các câu lạc bộ bóng đá của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai hay Đồng Tâm Long An sẽ có sân vận động riêng và học hỏi, áp dụng cách kinh doanh du lịch trong bóng đá như Real Madrid.

 

Theo Hồng Văn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn