1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm: Giảm vì giá

(Dân trí) - Giá cả hàng hoá xuất khẩu 8 tháng đầu năm thấp là nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước giảm mạnh hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (18% so với 7,3%).

Số lượng tăng nhưng kim ngạch vẫn giảm
 
Theo báo cáo của bộ Công Thương, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, khoáng sản đã huy động tối đa về sản lượng, tăng hơn so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng mạnh như gạo tăng sản lượng tới 43%, hạt tiêu 46,8%, cà phê tăng 17%; chè tăng 16,8%.
 
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm: Giảm vì giá  - 1
Giá xuất khẩu gạo giảm tới 29%.
 
Tuy nhiên, do giá xuất khẩu bình quân bình quân các mặt hàng nông sản đều giảm đã làm cho xuất khẩu nhóm hàng này chỉ ước đạt 8,25 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, giảm mạnh nhất là giá cao su tới 46%, tiếp đến là giá hạt tiêu giảm 34%, giá gạo và cà phê cùng giảm 29%...
 
Nhưng nếu so với nhóm nguyên liệu khoáng sản thì mức giảm này còn quá khiêm tốn. Sự sụt giảm quá lớn về giá xuất khẩu dầu thô (tới 53%) đã làm giá trị xuất khẩu (mặc dù đã tăng 8% sản lượng) của dầu giảm tới 48%. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu nhóm nguyên liệu, khoáng sản trong 8 tháng chỉ đạt 5,57 tỷ USD, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới nhưng tình hình khả quan hơn. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn tăng hoặc chỉ giảm nhẹ như: thủy tinh và sản phẩm tăng 23%, máy móc thiết bị phụ tùng khác tăng 1%, dệt may giảm 1%, túi xách va li, mũ, ô dù giảm 6%...
 
Theo nhận định của Bộ Công Thương, hàng Việt nam thời gian qua xuất khẩu vào thị trường Châu Á giảm mạnh do nhiều hàng hoá của các nước này tương đồng với hàng hoá của Việt Nam nên trong giai đoạn khó khăn về xuất khẩu, các nước đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, khiến hàng hoá của Việt Nam gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường.
 
Bên cạnh đó, dầu thô của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhưng do giá giảm mạnh nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm theo. Điển hình là thị trường Australia đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, giảm 45,8%. Trong đó, riêng dầu thô đã đạt 1,08 tỷ USD, giảm 45,8%.
 
Các vụ kiện ngày càng tăng
 
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên, kim ngạch xuất khẩu giảm còn là do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá ở nhiều thị trường trọng điểm giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của một số ngành có giá trị xuất khẩu như dệt may, da giày, nhựa, dây và cáp điện…
 
Bên cạnh đó, số các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ngày càng tăng lên khi các nhập khẩu quan tâm hơn đến việc giành lại thị trường cho các doanh nghiệp trong nước thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
 
Điều này càng gây khó khăn hơn các ngành hàng phụ thuộc phần lớn các hoạt động xuất khẩu. Gần đây nhất là vụ Mỹ kiện chống trợ cấp đối với túi nhựa PE xuất khẩu sang Mỹ, Ấn Độ điều tra bán phá giá thép của Việt Nam và 13 nước và vùng lãnh thổ khác.
 
Giai đoạn khó khăn vừa qua cũng đã thể hiện được những nỗ lực từ Chính phủ thông qua gói kích cầu đã phát huy tác dụng. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tranh thủ cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án.
 
Vì vậy, trong tháng 5, tháng 6, tháng 7, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi như giấy, dệt may, da giày… góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Bằng chứng là sản lượng các sản phẩm chủ yếu đã có sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong quý II.
 
Theo nhận định của Bộ Công Thương, giá hàng hoá xuất khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ tháng 5/2009 đến nay và dự báo có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới phải sang đầu năm 2010 mới thực sự hồi phục.
 
Bởi vậy, để đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008, 4 tháng cuối năm 2009 bình quân đạt 5,7-5,8 tỷ USD/tháng là nhiệm vụ rất khó khăn. Nó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực của Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp Chính phủ, các Bộ, ngành đã đưa ra và thường xuyên phối hợp điều chỉnh để đạt mục tiêu đề ra.
 
Lan Hương