1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng thấp hơn kỳ vọng

(Dân trí) - Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả chưa cao như kỳ vọng, thấp hơn cùng kỳ 1,3 điểm phần trăm. Xuất khẩu 10 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới vẫn ở mức thấp, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu và sự sụt giảm giá xuất khẩu hàng hóa trên thị trường thế giới. Các yếu tố này đã kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của các nước nói chung, trong đó có Việt Nam.

Số liệu cụ thể cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, xuất khẩu 10 tháng đầu năm có những điểm tích cực như xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 7,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm hơn 9,7%) và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 4,9% (cùng kỳ năm ngoái giảm 3,3%).

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 7,9%, đây là mức tăng trưởng khá nếu so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2015 xuất khẩu của nhóm giảm 9,7%). Lượng xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản tăng cao, đặc biệt có mặt hàng cà phê và hạt tiêu có lượng tăng trên 35%; chỉ có 2 mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm là gạo (20,6%) và sắn (13,2%) nguyên nhân chủ yếu do một số thị trường xuất khẩu gạo chính của ta sụt giảm.

Nhóm hàng này xuất khẩu không được lợi về giá, do giá nông sản thế giới vẫn ở mức thấp. Giá xuất khẩu bình quân trong 10 tháng của hầu hết các mặt hàng đều giảm tương đối sâu (trừ mặt hàng gạo và nhân điều có giá xuất khẩu tăng nhẹ) đã ảnh hưởng đến tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm.

Trong khi đó, mặt hàng thủy sản tăng trưởng 6,5%, là mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 17%), tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khó do các rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục tăng rào cản đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng không được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu như cá hồi, sắn... nhưng lại tăng mua sản phẩm của các nước khác, khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ảnh hưởng nhiều.

"Do sự biến động về lượng xuất khẩu tăng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng trong 10 tháng hơn 1 tỷ USD, tuy nhiên giá xuất khẩu giảm đã kéo kim ngạch xuất khẩu giảm 530 triệu USD. Bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm 10 tháng tăng 501 triệu USD so với cùng kỳ", báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 10 tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng xuất khẩu nhóm hàng này liên tục giảm trong một vài năm trở lại đây, điều này phù hợp với chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô và việc dành lượng dầu thô khai thác để phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước. Việc giảm lượng xuất khẩu song song với giảm giá xuất khẩu đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sụt giảm mạnh và chỉ còn đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sự sụt giảm mạnh của nhóm là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm xấp xỉ 1 tỉ USD do giá xuất khẩu giảm, giảm 397 triệu USD do lượng xuất khẩu giảm. Tính chung do giảm giá và lượng khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm đến hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến 10 tháng đầu năm ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng thấp, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,6%). Trong nhóm, có 16 mặt hàng có kim ngạch trên 1 triệu USD, tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, đồ gỗ... có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm mạnh, nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Campuchia, Lào, Myanmar...

Chưa kể đến một số nhóm hàng như: hóa chất, phân bón, sản phẩm chất dẻo, clanhke và xi măng xuất khẩu giảm cả về lượng và giá do cầu nhập khẩu giảm và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại với Trung Quốc. Hơn nữa, các mặt hàng thuộc nhóm do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất như: máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại các loại xuất khẩu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí có mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như máy ảnh, máy quay phim... đã khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm sâu.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 15%, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch cả nước, tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc.

"Điều này cho thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống trong khu vực giảm như ASEAN giảm 7,6%, chủ yếu giảm do xuất khẩu dầu thô giảm cả về giá và lượng", báo cáo cho hay.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm