TPHCM:

Kiến nghị “xã hội hóa” để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

(Dân trí) - “Chỉ có thực hiện phương thức xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước thì mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng nặng…”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nói.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý về dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Những chung cư cũ góp phần làm mất mỹ quan Hòn ngọc Viễn Đông

Dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế hợp lý về cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, theo HoREA, nếu chỉ cho phép xây dựng lại chung cư mới với chỉ tiêu quy hoạch giống như chung cư cũ thì không khả thi, vì sẽ không có nhà đầu tư nào có thể thực hiện được. Đồng thời, cần khẳng định phương thức tập thể chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền tự mình quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư nếu có đủ điều kiện và năng lực.

Theo HoREA, để khắc phục sự chậm trễ trong việc giải tỏa các chung cư cũ, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, cần có phương thức xã hội hóa trong việc tháo dỡ, xây mới chung cư.

Các
nhà đầu tư chưa mặn mà để tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các
chung cư

Các nhà đầu tư chưa mặn mà để tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 cho đến nay và nhiều chung cư đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đang trong tình trạng nguy hiểm. Có thể kể đến những chung cư đang “lung lay trước gió” như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư Cô Giang (quận 1), chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chung cư Ngô Gia Tự (quận 10)…

Tình trạng dột mái nhà, nước thấm vào tường, một số chỗ tường đã bị nứt, cầu thang mục nát… là những trường hợp khá phổ biến tại các chung cư xuống cấp. Diện tích mỗi hộ dân sống trong chung cư khá hạn hẹp, có hộ không đủ nơi để sinh hoạt đành phải nấu nướng tạm bợ ngoài hành lang. Áo quần phơi ngổn ngang phía trước, dây điện thì chằng chịt không biết đâu mà lường. Tình trạng xuống cấp trầm trọng của các khu chung cư này đang ở mức báo động!.

Chung cư cũ, chật nên nhiều người tận dụng hành lang làm bếp nấu ăn

Chung cư cũ, chật nên nhiều người tận dụng hành lang làm bếp nấu ăn

Những câu chú thường thấy ở các chung cư cũ

Những "câu chú" thường thấy ở các chung cư cũ

Theo kế hoạch, sắp tới TPHCM sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 m2 sàn. Đồng thời, TPHCM sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn.

Tuy nhiên, tiến độ công tác xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chỉnh trang đô thị của thành phố và nhu cầu, nguyện vọng của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này. Mặt khác, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa mặn mà để tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư. Nguyên nhân chủ yếu của sự “chây ì” là chưa có chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

“Chỉ có thực hiện phương thức xã hội hoá, thu hút nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, của cộng đồng chủ sở hữu chung cư thì mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, góp phần chỉnh trang đô thị”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nói.

Công Quang


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”