1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kiến nghị đánh giá năng lực các Bộ trưởng bằng chỉ số MEI

(Dân trí) - Vì liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp… cần đưa chỉ số MEI vào bộ tiêu chí đánh giá năng lực và xếp hạng tín nhiệm của các Bộ trưởng trong thời gian tới.

Đây là các ý kiến của chuyên gia, diễn giả và các nhà lập pháp tại Lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ, ngành (MEI) năm 2014 vừa được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội.

Kiến nghị đánh giá năng lực các Bộ trưởng bằng chỉ số MEI
Hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp Nông thôn vừa có phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội (ảnh minh hoạ).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
MEI là bộ 5 Chỉ số với 19 tiêu chí về Chất lượng soạn thảo Văn bản Quy phạm pháp luật (VBQPPL); Chất lượng VBQPPL; Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật và Rà soát, kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật được đánh giá dựa trên các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế và khu vực. Năm 2014, MEI đánh giá 14 Bộ ngành liên quan hoạt động kinh doanh, thu hút được hơn 228 Hiệp hội ngành hàng và khoảng 409.000 doanh nghiệp tham gia.

Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội cho hay: "Tôi rất cảm phục những vị Bộ trưởng đã xắn tay cùng với bộ máy của mình để cải thiện chất lượng ban hành các Văn bản Pháp Luật (VBPL) và cải cách thực thi. Tuy nhiên, để chỉ số này thực sự bứt phá và đi vào cuộc sống, cần đưa MEI vào đánh giá năng lực của các Bộ và bỏ phiếu tín nhiệm cá nhân các Bộ trưởng".

Bà Nga nói thêm, “Quốc hội khóa này có tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị Bộ trưởng và người đứng đầu ngành, các đại biểu Quốc hội đã đưa một tiêu chí: kết quả hoàn thành văn bản có chất lượng làm một trong các tiêu chí đánh giá các Bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, tôi thấy cần đưa những cải thiện về MEI đối với các Bộ ngành để làm căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm cá nhân”.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: MEI hiện đã có 5 lần công bố nhưng so với các chỉ số tương tự khác, bộ chỉ số này khá “trầm” so với tính chất quan trọng và kỳ vọng của nó. Đó là xây dựng các thông tư, chỉ thị, văn bản hướng dẫn…để đưa Luật, Nghị định, Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và kỳ vọng vào những tiến bộ trong cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở từng Bộ, ngành qua lăng kính của DN. 

"MEI năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải đứng áp chót các bảng xếp hạng, nhưng năm 2014 Bộ này đã trở thành "ngôi sao cải cách" luật pháp. Đó là nhờ người đứng đầu Bộ đã trực tiếp giữ cương vị cao nhất về cải thiện pháp luật của ngành. Tôi cho rằng, cải cách luật  - thể chế, giảm lệ, luật và thủ tục hành chính đang là yêu cầu số 1 của Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập vào sân chơi chung kinh tế quốc tế. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, chính vì vậy, vấn đề này cần được ưu tiên số 1 hiện nay. Tuy nhiên, hôm nay tôi buồn là buổi công bố MEI không được các lãnh đạo Bộ ngành quan tâm sâu sát, thậm chí có thể coi là bị "buông lơi", bà Lan nhấn mạnh.

Dẫn chứng lời của chuyên gia Phạm Chi Lan, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga tâm sự: “Hôm nay tôi thấy có nhiều vị là đại biểu Quốc hội tham dự buổi lễ công bố. Bản thân tôi cũng xin nghỉ buổi họp ở tổ về Luật Thống kê để đến đây tham dự và lắng nghe…”.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi không nói đến kết quả, mà chỉ nói đến sự có mặt của các Bộ ngành tham dự buổi lễ. Tôi thấy cuộc họp hôm nay có mặt rất nhiều hiệp hội và có nhiều đại biểu Quốc hội nhưng lại thiếu vắng lãnh đạo của 14 Bộ được các DN đánh giá trong MEI”.

So sánh với Lễ  công bố một chỉ số đánh giá tương tự với MEI là Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được tổ chức hằng năm, ông Thanh cho rằng: “Mỗi năm PCI được công bố, đại diện 63 tỉnh không phân biệt tỉnh nào đứng đầu, tỉnh nào đứng bét, các lãnh đạo các tỉnh trong đó nhiều tỉnh có cả bí thư, chủ tịch đi tham dự. Họ đến để lắng nghe để năm sau cải thiện tốt hơn.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Sự vắng mặt của lãnh đạo 14 Bộ, ngành trong Lễ công bố MEI 2014, cho thấy phần nào đó có sự coi nhẹ vấn đề này và MEI chưa thực sự có “giá” trong mắt các Bộ. Trong khi đó, các tiêu chí của MEI đều liên quan đến lập pháp và hành pháp. Đây là các tiêu chí quan trọng và có tác động rất lớn đối với kinh tế và đời sống DN”.

Đánh giá về kết quả Chỉ số MEI 2014, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Trong khi MEI 2014 đưa ra các đánh giá rất “rộng rãi” từ phía DN đối với thực thi pháp luật của các Bộ, ngành thì ở chiều ngược lại, ở trên phương tiện truyền thông, DN vẫn rất “kêu” ở khía cạnh này. Đâu là hàng trăm giấy phép con, muốn nộp thuế cũng phải chờ, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng… rườm rà, rắc rối và đặc biệt tồn tại quá nhiều “Thông tư liên bộ”cực kỳ vướng mắc.

Tương tự với ý kiến của bà Lan, theo ông Nguyễn Văn Thanh thì,“MEI có 5 chỉ số đánh giá về luật, thì có 2 chỉ số là rất tối là “hoạt động Soạn thảo Pháp luật và Chất lượng Văn bản Pháp luật” nhưng chỉ số “Thi hành Pháp luật" lại cao. Ở đây tồn tại mâu thuẫn và cho thấy một hệ quả là, khi soạn thảo văn bản kém, chất lượng văn bản chưa tốt mà thực thi văn bản lại tốt, rất tốt thế thì chứng tỏ đây là cách “áp đặt” luật, chính sách của các cơ quan Nhà nước “buộc” DN phải thực hiện. Điều đó cho thấy rằng, cơ quan Nhà nước đang không coi DN là “đối tác” của Pháp luật mà coi họ là “đối tượng” chịu ràng buộc của Pháp luật".

Kết quả MEI 2014 có sự cải thiện khi 4/5 chỉ số có sự cải thiện 10% so với năm 2012, có 3 trong 5 chỉ số tăng trên mức trung bình, và 2 chỉ số còn yếu, kém là: năng lực soạn thảo VBQPPL và chất lượng các VBQPPL.

14 Bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Y tế, Xây dựng, Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Tư Pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nguyễn Tuyền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”