Kiện DN nước ngoài bán phá giá tại Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân quả quyết như vậy tại buổi làm việc với 11 doanh nghiệp (DN) có sản phẩm công nghiệp chủ lực hôm qua, 14/6.

Theo ông Nhân, đã có nhiều biểu hiện về việc bán phá giá của các DN nước ngoài tại Việt Nam, và rõ nét nhất là hàng dệt may của Trung Quốc. Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi Trung Quốc bán tại Việt Nam có khi chỉ 15.000 đồng. Với giá ấy, dù tính toán kiểu gì cũng thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất.

 

Theo các chuyên gia, một số nước, điển hình như Trung Quốc thường bán hàng với giá cao ở một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, nhưng lại hạ giá bán xuống mức rất thấp ở thị trường những nước sản xuất các mặt hàng cạnh tranh với họ như Việt Nam và một số nước châu á khác nhằm gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của các nước này.

 

Các DN sản xuất, xuất khẩu sang các nước có sản xuất những mặt hàng cạnh tranh sẽ được Nhà nước trợ giá, sau đó họ lấy lợi nhuận từ các thị trường lớn, bán giá cao để bù lại.

Ông Lê Viết Tòa - Phó TGĐ Cty May Việt Tiến khẳng định, áo sơ mi vải 65% polieste và 35% cotton, tính hết tất cả chi phí thì giá thành khoảng 70.000 đồng/áo, nhưng hiện nay ở thị trường Việt Nam áo sơ mi của Trung Quốc chỉ bán 25.000 - 30.000đồng/chiếc.

 

Theo ông Tòa, về lý thuyết thì biết rõ mười mươi là họ bán phá giá, tuy nhiên trên thực tế lại không dễ kết luận điều này.

 

Cũng theo ông Tòa, muốn kiện phải có đầy đủ cơ sở, tức là phải nắm chắc nhà sản xuất, xuất khẩu của họ là ai, giá thành sản xuất bao nhiêu, giá xuất khẩu bao nhiêu… Ngoài ra còn phải biết rõ “đường đi” của các mặt hàng và chúng được nhập vào Việt Nam theo con đường nào?…

 

“Trong khi đó, chúng ta lại hoàn toàn mù mờ về chuyện này. Nói cách khác là cơ sở để chúng ta khẳng định DN nước ngoài bán phá giá là rất yếu”- Ông Tòa nói.

 

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam tràn ngập những mặt hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng không ai biết nó từ đâu ra và ai chịu trách nhiệm về điều này.

 

Việc áp dụng chính cơ chế tính thuế nhập khẩu dựa trên cơ sở giá giao dịch như hiện nay lại càng khiến cho việc xác định bán phá giá gặp khó khăn. Vì rằng, DN nhập khẩu trong nước thường thông đồng với nhà xuất khẩu nước ngoài hạ giá trị hàng nhập khẩu trong hợp đồng để gian lận thuế.

 

Mặc dù đang rất lúng túng về cơ sở để khẳng định DN nước ngoài bán phá giá, song ông Nhân tin tưởng sẽ làm được điều đó. Về luật pháp quốc tế, Hiệp định thương mại thế giới cũng đã ghi rõ giá bán xuất khẩu thấp hơn giá bán ở trong nước sở tại bao nhiêu phần trăm thì xem như là phá giá.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các DN rà soát, kiểm tra về tình trạng bán phá giá và những mặt hàng nào, Cty nào, của nước nào bán phá giá ở Việt Nam, sau đó sẽ xem xét và tiếp tục các bước tiếp theo để khởi kiện.

 

Theo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm