Kiểm toán "sờ gáy" vi phạm tài chính, 20 vụ việc chuyển Cảnh sát điều tra

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ, 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xử lý.

Đó là kết quả thực hiện nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội báo cáo trước Quốc hội sáng nay (25/3), về công tác kiểm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, trong giai đoạn từ 2016 - 2021, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai.

Kiểm toán sờ gáy vi phạm tài chính, 20 vụ việc chuyển Cảnh sát điều tra - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội (ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được phê duyệt theo Luật KTNN, KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong KHKT năm của KTNN.

"Trong nhiệm kỳ, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý" - ông Hồ Đức Phớc thông tin.

Tổng kiểm toán cũng cho biết, cơ quan KTNN đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.

Trong thẩm tra báo cáo của Tổng KTNN về công tác của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị KTNN lưu ý vấn đề chưa đảm bảo 100% báo cáo tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo yêu cầu của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cùng đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%).

Theo ông Hải, việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định.

Việc phối hợp để xử lý chồng chéo trong kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đã có nhiều tiến bộ. Song KTNN cần tăng cường các giải pháp để xử lý triệt để chồng chéo giữa KTNN và thanh tra chuyên ngành, thanh tra các địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị KTNN phân tích rõ hơn giải pháp, yếu tố tác động, mối liên hệ với việc chấn chỉnh kỷ luật tài chính, ngân sách của quốc gia để đạt được kết quả kiến nghị xử lý tài chính bằng 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước, tránh hiểu lầm kiến nghị kiểm toán tăng đồng nghĩa với kỷ luật tài chính, ngân sách đi xuống.