1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán NN: Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ ảo

"Thường khi có lời thì mới trích Quỹ bình ổn, dành tiền đó bù ra khi bị lỗ nhưng ở xăng dầu, lỗ cũng phải trích nên đó là quỹ ảo. Trước mắt, chúng tôi ủng hộ chuyển Quỹ này về Kho bạc Nhà nước quản lý", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái nói.

Trích quỹ khi lỗ sẽ là quỹ ảo

 

Những rắc rối, phức tạp xoay quanh Quỹ bình ổn xăng dầu tiếp tục được xới xáo tại cuộc họp báo sáng nay, 18/7 của Kiểm toán Nhà nước. Báo cáo kiểm toán chuyên đề về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã nhận định, trong công tác bình ổn giá, các DN xăng dầu đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá đã theo đúng hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Công Thương, qua đó đã làm giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong năm 2010.

 

Tuy nhiên, việc trích lập Quỹ này ngay cả khi kết quả kinh doanh lỗ đã khiến cho, Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều giai đoạn là quỹ ảo, báo cáo chính thức của KTNN nhấn mạnh.

 

Giải thích sâu hơn về góc nhìn này, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ, trích Quỹ thì phải có lãi thì mới trích, nhưng ở đây, DN lỗ cũng vẫn phải trích lập quỹ. Việc hạch toán quỹ lại không phụ thuộc vào đơn vị kinh doanh đang lỗ hay lãi. Trong mọi trường hợp, DN bán bất kỳ 1 lít xăng dầu nào là đều phải đưa vào một khoản chi phí trích lập quỹ. Ông Khái nhấn mạnh nhiều lần: Cơ chế lỗ mà phải trích thì "đó là quỹ ảo".

 

Bên cạnh đó, theo phân tích của ông Lê Minh Khái, nhiều sự không ổn trong cơ chế này đang bộc lỗ rõ. Ví dụ như 11 DN đầu mối xăng dầu có cơ sở vật chất khác nhau, các mức giá nhập khẩu cũng khác nhau nên lãi lỗ của các DN là không giống nhau. Thế nhưng khi trích Quỹ lại đồng loạt giống nhau. Cộng với việc trích lập Quỹ đồng loạt dù lãi hay lỗ cho nên, lợi ích của các DN đầu mối sẽ không đồng nhất với nhau. Đó chính là sự bất bình đẳng cho các DN xăng dầu mà bất cập cơ chế gây nên.

 

Lỗ mà trích Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ dẫn tới Quỹ ảo
Lỗ mà trích Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ dẫn tới Quỹ ảo

 

Cũng theo diễn giải của vị Phó Tổng kiểm toán, việc trích lập quỹ bình ổn giá cũng là dựa vào giá cơ sở, với căn cứ tính bình quân giá nhập khẩu 30 ngày. Thời gian như vậy là quá dài, khiến DN khó theo dõi trong khi đây là khoảng thời gian mà giá thế giới có thể biến động nhiều, phức tạp. Có DN mua giá xăng dầu cao, có DN lại mua với giá thấp, kết quả kinh doanh trong 30 ngày sẽ khác nhau.

 

Trên thực tế thời gian qua, nhiều DN xăng dầu cũng đã than phiền  rằng, khi lỗ mà phải trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu là ăn vào vốn của DN nê càng gây khó khăn cho DN hơn.

 

"Với tình hình đó, chúng tôi kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ nghiên cứu cơ chế trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp hơn cũng như cơ sở tăng giảm giá xăng dầu", ông Khái nói.

 

Chuyển về Kho bạc Nhà nước giữ?

 

Mới tuần trước, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về hiệu quả Nghị định 84 đã đề xuất, chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Kho bạc Nhà nước.

 

Bộ này cho rằng, khi để tại DN như hiện nay, công tác kiểm soát quỹ rất phức tạp. Do hạch toán nội bộ nên có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp lạm dùng nguồn vốn quỹ để sử dụng sai mục đích, nhất là khi thị trường khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến sự mất công bằng giữa những doanh nghiệp lớn, có nguồn quỹ lớn và doanh nghiệp nhỏ có số dư quỹ nhỏ.

 

Vì vậy, nếu chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Kho bạc Nhà nước thì sẽ tạo cơ chế quản lý tập trung, tránh cơ chế xin cho.

 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ: "Người dân yêu cầu cần rạch ròi đồng nào mua mắm,  đồng nào mua muối. Nhưng trong quan lý tài chính, về dư luận xã hội thì việc nay nghe hợp lý nhưng về quản lý dòng tiền trong tài chính DN thì những đồng tiền vốn Quỹ trong 30 ngày đó lại chính là dòng vốn lưu thông Nhà nước của DN".

 

Ông thẳng thắn nói: "Về góc độ dư luận thì khi chuyển sang Kho bạc Nhà nước, sẽ tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Nhưng với góc độ của người làm nghiên cứu thì tôi cho là việc chuyển này không hiệu quả".

 

Trong khi đó, lãnh đạo KTNN lại ủng hộ khá tuyệt đối về đề xuất trên của Bộ Tài chính. Ông Lê Minh Khái cho rằng, chính vì việc công khai công bố Quỹ chưa được thường xuyên, cộng với kết quả sau khi kiểm toán, nên việc Quỹ nằm tại DN đã khiến cho dư luận không tin tưởng.

 

"Khách quan mà nói, việc sử dụng vốn quỹ giống như một lọ nước, đổ nước vào rồi rút nước ra thì biết nước ở nguồn nào. Các nguồn tiền trong tài chính doanh nghiệp hòa lẫn vào nhau, nguồn tiền nào trích từ nguồn nào..., việc quản lý rành mạch này là không dễ", ông Khái nói.

 

Theo quan điểm của vị này, nếu để minh bạch, chặt chẽ, có thể để Quỹ ở Kho bạc Nhà nước như kiến nghị của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ là hợp lý trước mắt. Về lâu dài, quỹ cần được nghiên cứu sử dụng sao cho hiệu quả.

 

Ông Khái cho hay, về phía DN, nếu thiếu vốn mà lại có một nguồn vốn ở Quỹ để không thì cũng rất phí. Vì vậy, Nhà nước có thể nghiên cứu theo hướng, nếu DN hoạt động đầu tư hiệu quả thì có thể tạm thời cho dùng Quỹ nhưng phải tránh mất mát, khi cần thiết phải trả lại quỹ để bình ổn giá cho dân. Tất nhiên, tính toán cơ chế này cũng rất khó vì có nhiều yếu tố tác động vào.

 

Theo ông, nếu tiếp tục để tại DN, Quỹ bình ổn phải có tài khoản riêng và việc quản lý cần chặt chẽ, rành mạch hơn. Tránh tình trạng hiện nay, nguồn tiền hình thành quỹ, tài sản nhiều khi không rõ là từ nguồn nào, của vốn điều lệ hay vốn vay, vốn chiếm dụng các nơi.

 

Với cái nhìn khá thân thiện với DN, vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng trao đổi đa chiều về vấn đề này. Trên thực tế, cơ bản năm 2010-2011, tôi cho là anh em DN xăng dầu đã sử dụng Quỹ này tốt, họ không dùng trái mục đích. Tất nhiên, có lúc nào đó, có 20-30 tỷ đồng chưa kịp chuyển về Quỹ thì cũng cần lượng thứ cho DN, cần có sự thông cảm".

 

Theo Phạm Huyền

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm