1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cà Mau:

Kiếm thêm chục triệu/ha nhờ "lên bờ xuống ruộng"

(Dân trí) - Đã mấy năm liền, thu hoạch xong lúa vụ hai, người dân các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình (Cà Mau) tiếp tục trồng xen vụ bầu, bí… Chính nhờ mô hình xen canh lúa - màu này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khi bà con thu thêm hàng chục triệu/ha/vụ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Địa phương đang phát triển mạnh mô hình lúa – màu đang tập trung ở các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời. Do vậy, sau khi thu hoạch lúa vụ hai, các địa phương này đầy ắp dây bầu, dây bí, dưa gang,… đang vươn xanh, phủ kín các cánh đồng quê hương Đất Mũi.

Theo người dân địa phương, cứ kết thúc vụ lúa được vài ngày, bà con liền tiến hành mang màu xuống ruộng. Vụ màu này có hai hình thức được người dân sử dụng phổ biến. Tùy theo, nhân lực gia đình mà họ chọn phương thức phù hợp. Thứ nhất, nhiều gia đình chỉ xuống ven bờ bao và trên ruộng nhưng chỉ men theo những mép mương (thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới nước…). Thứ hai, trồng trên toàn bộ diện tích đất ruộng nhà mình.

Cây lúa “chết” đến vụ màu kiếm thêm bạc chục triệu/ha
Kết thúc lúa vụ hai hầu hết các cánh đồng ở huyện Thới Bình, Trần Văn Thời... phủ kín một màu xanh của ngô, bắp, bầu...

Gia đình anh Nguyễn Văn Khuyến (ở ấp 1, xã Trần Hợi), lựa chọn làm theo hình thức thứ nhất vì nhà chỉ có 2 lao động là anh và vợ. Trên bờ bao quanh ruộng anh trồng bí đỏ, thêm 4 dây bí đao kéo dài trên các đường mương. Hiện đã cuối vụ, gia đình anh thu được gần 20 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 15 triệu, trên diện ước khoảng gần 3 công đất.

Theo anh Khuyến, xuống vụ màu trên đất ruộng thì cũng như trồng màu bình thường, rất đơn giản. Tuy nhiên, do trồng ngay vào mùa khô hạn nên cũng tốn khá nhiều công tưới nước, chăm bón. “Cực là vậy, xong hiệu quả lại rất cao, chăm sóc tốt mỗi vụ kéo dài khoảng hơn 3 tháng cũng kiếm thêm được 4 – 5 triệu đồng/công, lợi nhuận cao hơn cả làm một vụ lúa”, anh Khuyến nói.

Cũng ở xã Trần Hợi, anh Ngô Văn Tự lại chọn cách trồng màu trên toàn bộ diện tích đất ruộng. Trong đó, anh tự đa dạng hóa, trồng nhiều loại hoa màu với vài công đậu bắp, vài công bí, công bầu, dưa gang. “Làm diện tích lớn phải trồng như vậy sẽ không sợ một loại nào đó mất giá, thì chúng tôi rơi vào cảnh thảm. Trồng kiểu này khó quản lý sâu bệnh, cực một hơn một tý mà chắc ăn”, anh Tự chia sẻ.

Nhờ áp dụng mô hình xen canh lúa - màu, nhiều bà con kiếm thêm hàng chục triệu đồng/ha/vụ hoa màu
Nhờ áp dụng mô hình xen canh lúa - màu, nhiều bà con kiếm thêm hàng chục triệu đồng/ha/vụ hoa màu

Trên diện tích 1,5 ha đất nhà mình, anh Tự đã thu được khoảng 50 triệu đồng, đến cuối vụ chắc thêm được khoảng 20 triệu đồng nữa. Trừ chi phí chắc cũng còn trên dưới 50 triệu.

Chính từ hiệu quả trên mà mô hình không ngừng được nhân rộng. Tính riêng xã Trần Hợi đã có 191 ha thực hiện mô hình “lên bờ xuống ruộng” (lên bờ trồng màu, sau đó sang phẳng xuống để trồng lúa). Đặc biệt, ngoài hình thức trồng bầu, bí, mướp,… gần đây bà con còn đưa cây đậu xanh xuống trồng. Cây đậu xanh tỏ ra thích hợp hơn, được bà con rất chuộng.

Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT Cà Mau cho biết: “Lên bờ xuống ruộng” là mô hình trồng lúa kết hợp hoa màu. Trong một năm người dân làm hai vụ lúa sau đó để tránh lãng phí đất bỏ không, tiếp tục trồng thêm các loại hoa màu vào vụ ba. Hiệu quả mô hình cao hơn làm lúa, lợi nhuận khoảng trên dưới 40 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, vì có được lợi ích kép (giá trị kinh tế và cải tạo đất), nhiều xã trên địa bàn đang phát triển trồng cây đậu xanh mạnh.

Kinh nghiệm của những hộ dân áp dụng mô hình lúa – màu cho biết, sau khi thu hoạch lúa vụ hai, bắt đầu tháng 11, 12 (âm lịch) là tiến hành làm vụ màu. Tùy theo ý thích của mỗi người và hướng theo nhu cầu thị trường bà con lựa chọn loại hoa màu phù hợp để xuống giống. Thịnh hành nhất vẫn là những loại dễ trồng như: đậu bắp, dưa gang, bí, bầu,... Nhờ cách làm thêm này, người dân bỏ túi thêm hàng chục triệu đồng/ha/vụ màu.

Theo số liệu thống kê của phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời, vụ trồng màu năm nay huyện thực hiện được hơn 900 ha. Tập trung nhiều nhất tại các xã Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Trần Hợi. Trong đó, xuống giống đậu xanh chiếm đa số với diện tích khoảng hơn 50% diện tích thực hiện.

 

Khánh Hưng – Nguyễn Hành

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”