Kiểm soát chặt việc cho vay đầu tư bất động sản

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại cần “chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ, đầu tư bất động sản”. Đó là yêu cầu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngày hôm qua (30/8), mang tính định hướng hoạt động tín dụng trong 4 tháng còn lại của năm 2005.

Theo Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay các nhu cầu vốn đầu tư bất động sản là một trong những giải pháp tín dụng cần tích cực triển khai trong hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Yêu cầu trên được đặc biệt chú ý khi đặt trong mâu thuẫn của thị trường bất động sản hiện nay: Thị trường “đóng băng” kéo dài gây tồn đọng vốn, trong khi để “phá băng” lại cần phải huy động vốn đầu tư.

Một số nhà đầu tư cho rằng đầu tư vào bất động sản đang ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo đó, cho vay đầu tư vào bất động sản cũng hàm chứa những rủi ro lớn. Và đây là một cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đưa ra yêu cầu trên.

Trước đó, tại hội nghị ngành ngân hàng trên địa bàn TPHCM, một số lãnh đạo ngành đã cảnh báo các ngân hàng phải thận trọng khi cho vay đầu tư bất động sản, đặc biệt là cho vay mua căn hộ chung cư hoặc đầu tư xây dựng chung cư.

Hai rủi ro trực tiếp từ cảnh báo trên là tình trạng đầu cơ diễn ra khá phổ biến có thể làm biến dạng cung - cầu về căn hộ trên thị trường và sự phát triển quá nóng của các căn hộ chung cư đang hàm chứa những rủi ro về giá cả, sức mua.

Hiện tại, một số ngân hàng cho biết do các dự án cho vay bất động sản thường kéo dài, thị trường bất động sản “đóng băng” khiến khả năng thu hồi vốn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý các ngân hàng thương mại cần lưu ý hướng tập trung vốn cho các dự án trọng điểm đã cam kết, đặc biệt là tập trung cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất ở nông thôn.

Được biết, hiện có khoảng 13,5% vốn ngân hàng đang được đầu tư vào bất động sản. Tại TPHCM, dư nợ cho vay bất động sản hiện đã lên đến trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng dư nợ cho vay chung. Tại Hà Nội, con số trên là gần 9.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng gần 10% tổng dư nợ.

Theo VnEconomy