Kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

(Dân trí) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đang được nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc, nhằm tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế.

Kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới - 1
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế (ảnh: Việt Hưng).
 
Theo đánh giá từ Ủy ban Kinh tế (đơn vị được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm): Về cơ bản các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành là phù hợp với các yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân tăng 27%/năm và tính đến hết năm 2009 đã tái vốn đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 13 lần so với năm 2000.
 
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm lần này được dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được chuẩn bị khá kỹ, đã tiếp thu ý kiến của các đối tượng có liên quan, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
 
Về cơ bản, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, Ủy ban nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, trong một số điều, khoản còn có các ý kiến đóng góp về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới; tái bảo hiểm bắt buộc; các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh; sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp.
 
Riêng về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới (Điều 6 và Điều 105), theo cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm khi gia nhập WTO cho phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
 
Theo đó, việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
 
Qua thảo luận, Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới nhằm phù hợp với các cam kết của WTO. Tuy nhiên, do hoạt động này có liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất; vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các quy định trong khuôn khổ cam kết nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc (các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước.
 

Trước khi có Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) ra đời chỉ có 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm: 8 DNBH phi nhân thọ (2 DN liên doanh), 4 DN nhân thọ (100% vốn nước ngoài), 1 DN MGBH (Liên doanh), 1 DN tái bảo hiểm. Đến nay đã tăng lên 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

Trong tổng số 50 doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, số doanh nghiệp có vốn nước ngoài (24) gần tương đương với số doanh nghiệp trong nước (26). Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài, có 3 doanh nghiệp của Nhật Bản (2 PNT, 1NT), 2 Đài Loan (1 NT, 1 PNT), 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc (1 NT, 1PNT), 1 doanh nghiệp của Singapo (NT), 7 doanh nghiệp của Mỹ (3 PNT, 2 NT, 2 MG), 4 doanh nghiệp của Pháp (trong 3 lĩnh vực), 3 doanh nghiệp của Anh (1 NT, 1 MG), 1 của Úc và 1 Canada.

Sự gia tăng về số lượng và quy mô của các công ty bảo hiểm từ khi có KDBH đã có tác động tích cực lên sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế từ năm 2001 đến năm 2009 tăng hơn 10 lần, từ gần 6.000 tỷ đồng lên 66.905 tỷ đồng. Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật bản, đồng thời thúc đẩy quá trình đàm phán ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Việc cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với lộ trình phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, đảm bảo tỷ lệ hài hoà giữa các khu vực Châu Á, châu Âu và Châu Mỹ đảm bảo thận trọng trong cấp phép. Vì các doanh nghiệp được cấp phép đều thuộc các tập đoàn bảo hiểm lớn như Prudential, Manulife, AIG, ACE...
 
Việc cấp phép cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khuyến khích hợp tác giữa cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam với cơ quan quản lý bảo hiểm các nước và các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, thông qua đó học tập kinh nghiệm quản trị, điều hành. Do đó, ngoài những yêu cầu từ thực tiễn trong nước, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật KDBH phải đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình hội nhập WTO, từng bước áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế của Hiệp hội các cơ quan giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS) về quản lý, giám sát thận trọng.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm