Làm giàu không khó:

Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ nghề biến “đồ mới” thành “cũ”

(Dân trí) - Từ những nguyên liệu hoàn toàn mới, người thợ phải chế tác sao cho nó trở nên sần sùi, cũ kỹ, nhưng vẫn toát lên nét tinh tế. Đồ đi ngược xu thế nhưng lại đang được khá nhiều người ưa chuộng.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ nghề biến “đồ mới” thành “cũ”

Đó là những thiết kế độc đáo của Chu Tiến Tùng (sinh năm 1990) tại Hà Nội. Nhờ những ý tưởng thiết nội thất theo phong cách Decor độc, lạ "hô biến" những nguyên liệu mới thành cũ mà Tùng đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Các sản phẩm do Tùng thiết kế khá đa dạng và phong phú về mẫu mã, chúng thường được tạo ra từ những thứ vật liệu tưởng như bỏ đi như ống nước, gỗ vụn, đinh, ốc… Tùng cho biết, thực tế việc làm mới đồ cũ không khó nhưng để làm cho những nguyên liệu mới trông giống như đồ đã dùng hàng chục năm thì không phải đơn giản: “Từng vết mốc, lớp bụi bám đến những vết nứt cũng phải chế tác cho thật chuẩn và giống như thật…”, Tùng cho hay.

Theo Tùng xu hướng nội thất này không phải là mới mà đã thịnh hành lâu đời ở các nước phương Tây, tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn còn khá lạ lẫm. Điều này chính là một lợi thế để Tùng bắt tay vào việc kinh doanh trong đó chú trọng tạo ra dấu ấn riêng cho các dòng sản phẩm của mình.

Theo Tùng,  để tạo cho đồ vật có nét rêu phong, cổ kính… những người thợ sẽ dùng các thủ thuật và công cụ riêng biệt để tạo ra các vết xước, sần sùi lên bề mặt gỗ. Sau đó sẽ phun sơn và phối màu sao cho thật giống với những lớp rêu phong bám phủ. Công đoạn này đòi hỏi sự sáng tạo và tỉ mỉ gấp đôi so với việc thiết kế đồ nội thất thông thường.

Tùy từng vào chất liệu, yêu cầu thiết kế của khách hàng mà sẽ có phương pháp làm cũ sản phẩm khác nhau. Ví dụ: Khi làm trên vật liệu kim loại, sẽ phải đặc biệt chú ý đến lớp sơn, cách phối màu cho phù hợp, trong khi đó khi chế tác các đồ vật trên chất liệu gỗ thì đơn giản hơn rất nhiều.

“Khi làm trên gỗ mình sẽ sử dụng các dụng cụ bào mòn để tạo ra các vết xước, va đập sau đó sơn phủ sơn lên để sản phẩm trông giống như đã “phơi nắng mưa ngoài trời”. Trong khi đó, làm thiết kế trên kim loại, đôi khi phải tạo lớp bụi chìm bám vào sản phẩm rất phức tạp…”, Tùng cho hay.

Ông chủ 9x này cũng cho biết, việc làm cũ đồ mới có những yêu cầu, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối nên mất khá nhiều thời gian. Đôi khi chỉ một vết mốc, rêu xanh bám phủ cũng có yêu cầu riêng: “Vết mốc ngoài trời, khác với việc bám bụi trong phòng. Mốc rêu xanh, mốc trắng hay vết mốc do nấm là khác nhau, mình phải tìm hiểu để chế tác cho thật giống…”.

Nhiều sản phẩm được hoàn thành rất nhanh nhưng theo Tùng cũng có sản phẩm mất đến cả tháng. Tùng ví dụ, để chế tác một chiếc đồng hồ treo tường theo phong cách Decor giống như đã có niên đại hàng trăm tuổi cũng phải mất đến vài ngày: “Không chỉ sơn đi sơn lại rất nhiều lần mà từng vết gỉ sắt trên chiếc kim hay các con số cũng phải làm giống y như thật. Thậm chí bạn phải có sự am hiểu về văn hóa của từng thời kỳ, từng đất nước để việc làm “cũ” sản phẩm mới thực sự có giá trị”.


Đồng hồ phong cách lạ

Đồng hồ phong cách lạ

Nếu so với việc mới đồ cũ thì việc thiết kế, chế tác làm cho sản phẩm mới cũ đi mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, theo Tùng thì giá cả lại không chênh lệch nhau là bao. Các sản phẩm sẽ được định giá tùy theo thiết kế và độ độc, lạ cũng như độ khó của từng sản phẩm, trong đó giao động từ vài trăm cho đến hàng chục triệu. Hiện nay, các mặt hàng do Tùng thiết kế chủ yếu được các nhà hàng, quán bar, cà phê hay cửa hàng thời trang đặt mua mà chưa thực sự được phổ biến rộng rãi.

“Nhiều người còn e ngại cho rằng việc làm cũ đồ mới sẽ khiến sản phẩm nhanh hỏng nhưng thực tế thì không phải vậy. Đây chỉ là một thủ thuật tác động bên ngoài sản phẩm còn chất liệu bên trong thì vẫn được đảm bảo toàn bộ”, Tùng cho biết.

Ý tưởng kinh doanh độc đáo này được manh nha vào cuối năm 2012, ban đầu Tùng chỉ “làm cũ đi” những đồ vật nhỏ như: Hộp đựng bút, kệ để bóng đèn hay các đồ dùng cho vật nuôi như: chuồng, bát ăn… sau đó post lên Facebook “cho vui”. Không ngờ, các mặt hàng này nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt: “Mỗi ngày mình phải nghe đến hàng chục cuộc gọi để đặt hàng sản phẩm. Rất nhiều người tỏ ra thích thú và hào hứng với các đồ vật mình thiết kế. Lúc này, mình tự nhủ: Tại sao không bắt tay vào kinh doanh và mở rộng sản xuất?”, Tùng kể.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ nghề biến “đồ mới” thành “cũ” - 2

Nghĩ là làm, Tùng lên kế hoạch để mở xưởng sản xuất. Ban đầu, anh thuê một căn phòng nhỏ chừng 15m2 và một người thợ chuyên làm công việc chế tác, bản thân anh vừa kiêm việc bán hàng vừa desinge cho sản phẩm: “Thời gian đó, mình chủ yếu là chế tác các đồ vật cho thú cưng như bát ăn, nhà ở, cũi… Các sản phẩm hầu hết được thiết kế theo phong cách decor, một số sản phẩm được làm cũ đi theo yêu cầu của khách hàng…”.

Sau này, Tùng mở rộng xưởng sản xuất vừa chú trọng phát triển thế mạnh sản phẩm “đồ cũ” của mình, vừa nhận đặt hàng thiết kế và chế tạo đồ nội thất thông dụng khác. Đến nay sau hơn một năm thành lập, cơ sở sản xuất của Tùng đã được mở rộng với diện tích trên 100m2 với khoảng 12 thợ chế tác làm việc liên tục cho doanh thu ổn định.


Móc treo khăn tắm

Móc treo khăn tắm

Tùng cho biết, sắp tới anh sẽ ký hợp đồng với một số đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường sản xuất, còn hiện tại anh đang tập trung nghiên cứu để đưa ra thị trường các mẫu thiết kế mang tính ứng dụng nhưng vẫn đảm bảo độ độc lạ: “Trào lưu nào cũng chỉ được một thời gian, nếu mọi thứ không có sự thay đổi, phá cách thì rất dễ nhàm chán, đặc biệt là trong nghành thiết kế”, Tùng cho hay.

Hà Trang - Xuân Ngọc
 

Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ nghề biến “đồ mới” thành “cũ” - 4