Kịch bản dữ dội với giá dầu nếu chiến sự Israel - Hamas leo thang
(Dân trí) - Năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Liệu cơn ác mộng này có trở lại khi xung đột tại Trung Đông leo thang?
Cú sốc chưa từng có
Xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực đối với nguồn cung dầu, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp này không đủ để đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch của các nền kinh tế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) miêu tả, cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 là một cú sốc phức tạp chưa từng có về quy mô và mức độ ảnh hưởng. Khi ấy, nguồn cung bị thắt chặt, giá năng lượng biến động mạnh, nhiều nền kinh tế lao đao.
Chiến sự Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút khỏi Nga. Các quốc gia châu Âu cũng vội vã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn năng lượng cho mùa đông.
Giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu lên gần 140 USD/thùng. Giá dầu cao kỷ lục đã gây ra vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch, tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới làm mọi cách để tìm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung từ Nga. Chính phủ nhiều nơi đẩy nhanh triển khai năng lượng mặt trời và gió, nhưng cũng đẩy mạnh mua than, khiến các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã bị trì hoãn.
Hệ lụy kinh tế
Sự biến động của giá dầu cũng có thể kéo theo các hệ lụy khác đối với các quốc gia như nền kinh tế tăng trưởng chậm hay lạm phát leo thang.
Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính nếu giá dầu tăng liên tục 10% sẽ làm giảm 0,15 điểm % tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng thêm 0,4 điểm lạm phát trong năm tiếp theo.
Trên thị trường, giá một thùng dầu thô hiện cao hơn khoảng 10% so với trước cuộc tấn công của Hamas. Nếu giá dầu chạm mức 150 USD/thùng, lạm phát có thể tăng lên mức 2 con số tại Mỹ và châu Âu.
Mối đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy các Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất và khởi động lại các chương trình nới lỏng định lượng.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc gia hạn mức giá trần khí đốt được áp dụng khẩn cấp hồi tháng 2, trước những lo ngại rằng tình hình xung đột tại Trung Đông có thể đẩy giá tăng cao trở lại trong mùa đông này.
Vào thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt sang châu Âu, giá khí đốt đã có thời điểm tăng cao kỷ lục.
Các quan chức cấp cao cũng cho biết, dù giá năng lượng đã giảm xuống và lượng khí đốt dự trữ của EU đang ở mức cao kỷ lục, nhưng nguồn cung mùa Đông này có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Israel - Hamas, cũng như sự cố xảy ra với cơ sở hạ tầng khí đốt ở vùng biển Baltic.
Lịch sử liệu có lặp lại?
Theo giới phân tích, giá dầu có nguy cơ tăng đột biến nếu xung đột Israel - Hamas có dấu hiệu leo thang.
"Cuộc xung đột có thể đè nặng hơn nữa lên nguồn cung dầu toàn cầu, dẫn đến giá dầu tăng cao hơn nữa", Stephen Innes, chuyên gia của công ty quản lý tài sản SPI, nhận định với AFP.
Trong kịch bản chiến tranh lan rộng, eo biển Hormuz, nơi hơn 20 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu đi qua mỗi ngày, có thể bị đóng.
"Kịch bản này gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu và có thể đẩy giá dầu lên mức trên 100 USD/thùng", Ricardo Evangelista, nhà phân tích của công ty ngoại hối ActivTrades, nhận định với AFP.
Không những vậy, Ana Boata, nhà nghiên cứu của công ty tài chính Allianz Trade, lo ngại giá dầu có thể chạm đỉnh 140 USD/thùng và leo lên mức giá trung bình 120 USD/thùng vào năm sau.
IAE cho rằng đến nay chiến sự Israel - Hamas vẫn chưa tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu. Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông đã đẩy giá dầu biến động mạnh trong thời gian qua và có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng trên thị trường.
Trong báo cáo giá dầu của tháng 10, IEA cũng đã cảnh báo các căng thẳng ở Trung Đông, khu vực chiếm đến 1/3 giao thương dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu, đang khiến thị trường lo lắng. Nhiều chuyên gia lo ngại dầu có thể quay trở lại mốc 100 USD/thùng, thậm chí lên đến 140 USD/thùng.
IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong thời gian tới, tăng 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Tổng nhu cầu dầu trung bình toàn cầu lên tới gần 102 triệu thùng/ngày, thiết lập mức kỷ lục mới. Dự trữ dầu thô của thế giới cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Các chuyên gia dự báo nhu cầu dầu trong năm 2024 sẽ vẫn giữ ở mức 102 triệu thùng/ngày, không tăng mạnh do đà hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19 đã chậm lại.
Giai đoạn bước ngoặt
Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, các nước phương Tây đã áp dụng một loạt biện pháp khắc nghiệt với Nga. Trong khi đó, Nga lại là quốc gia sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Điều này đã khiến nguồn cung năng lượng bị gián đoạn và giá cả tăng cao.
Báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Bruegel cho thấy, tại châu Âu, giá điện và khí đốt đã tăng từ 5 đến 15 lần. Các chuyên gia dự báo rằng để trang trải chi phí về điện trước khi thị trường về lại điểm cân bằng, các nước châu Âu sẽ phải tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ euro.
Chi phí năng lượng cao có thể khiến các doanh nghiệp châu Âu phải cắt giảm, đóng cửa hoặc chuyển đổi sản xuất. Oliver Falck, Giám đốc trung tâm tổ chức công nghệ mới của Đức, nhận định rằng nếu giá năng lượng vẫn cao trong dài hạn, Đức có thể sẽ mất một số ngành công nghiệp.
Không những vậy, giá cả tăng cao còn có thể buộc châu Âu phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh. EU cũng đề xuất tăng mục tiêu hiệu quả năng lượng từ 9% lên 13% và tỉ lệ mục tiêu của các nguồn năng lượng tái tạo từ 40% lên 45% vào năm 2030.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng đang thúc đẩy sự tăng tốc mạnh mẽ trong việc lắp đặt năng lượng tái tạo. Tổng mức tăng trưởng công suất trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi. Năng lượng gió và mặt trời được dự báo sẽ chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trong giai đoạn 2022-2027.
Giám đốc điều hành IEA cho rằng đây là một ví dụ rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch và an toàn hơn
Mặc dù giá năng lượng tăng cao có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể khiến các quốc gia bị phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng truyền thống.
Theo The Economist, trong ngắn hạn, các nước này sẽ chấp nhận đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm để đổi lấy an ninh năng lượng. Tuy nhiên, về lâu dài, họ sẽ áp dụng chính sách công nghiệp mới nhằm nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng năng lượng xanh