1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khuyến mãi di động: Lợi ích lắm - hệ lụy nhiều

Hầu như tất cả các mạng ĐTDĐ đều đang thực hiện khuyến mãi với giá cước rẻ đi ít nhất 40%, thậm chí lên đến từ 60% - 70%. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về giá cước thì khách hàng lại phải gánh chịu hậu quả là chất lượng cuộc gọi và dịch vụ xuống cấp nghiêm trọng.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra những cảnh báo về việc gia tăng thuê bao ảo và những dấu hiệu vi phạm các luật về giá.

 

Chạy đua khuyến mãi và quảng bá

 

VinaPhone vừa tung ra một chương trình lớn: Thuê bao hoà mạng mới được tặng 100.000 đồng vào tài khoản và thêm 60 ngày sử dụng, sau đó tặng tiếp 100% giá trị mệnh giá thẻ nạp lần 1, 2, 3.

 

Không chịu thua kém, vừa kết thúc một đợt khuyến mãi, Viettel Mobile cũng vội vã đưa ra chương trình mới: Khách hàng hoà mạng mới giá 69.000đ có tài khoản 130.000 đồng...

 

S-Fone còn đẩy khuyến mãi lên cao gấp hơn 200% khi bán thuê bao hoà mạng mới giá 65.000đ, khách hàng được hưởng tài khoản 200.000 đồng...

 

Một chuyên gia viễn thông phân tích: Nhìn vào tình trạng “bội thực” khuyến mãi trên sẽ nhận thấy một cuộc chạy đua để giành giật thị phần giữa các mạng di động đồng thời là cuộc chạy đua về quảng bá thương hiệu. Nhưng đây cũng mới chỉ là bước khởi đầu khi các mạng “chốt” mục tiêu chạy đua và khuyến mại vào dịp cuối năm.

 

Trong khi VinaPhone luôn khẳng định “mạng di động lớn nhất” thì MobiFone lại công bố con số thuê bao nhiều hơn cả số “lớn nhất” đó.

 

Viettel mới đây chính thức đưa ra mục tiêu: Trở thành mạng di động có lượng thuê bao lớn nhất vào năm 2006 với 7 triệu thuê bao; và để thực hiện mục tiêu đó Viettel cũng là mạng di động có nhiều chương trình khuyến mãi và giá trị khuyến mãi lớn nhất từ trước tới nay.

 

Lợi ích và hệ lụy

 

Có một điều hiển nhiên nhưng ít ai nói ra đó là: Song song với cuộc chạy đua giữa các mạng, những nhà cung cấp cũng bắt đầu tính đến “yếu tố WTO”. Một chuyên gia của Bộ BCVT từng cho rằng: Muốn hội nhập và cạnh tranh trong môi trường WTO, ngoài việc quảng bá hình ảnh, các mạng còn phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, kho số.

 

Tuy nhiên, vấn về mấu chốt vẫn là vấn đề giá cước và “giá trị thương hiệu” dựa vào lượng thuê bao khi cổ phần hoá và bán cổ phần cho đối tác... Tất cả những yếu tố này vừa mang lại cho các mạng di động khả năng và tiềm lực phát triển bền vững; vừa mang lại những lợi ích gần gũi nhất cho khách hàng.

 

Tuy nhiên, lợi ích nhiều nhưng hệ lụy của những cuộc chạy đua nóng cũng không ít. Đã có lãnh đạo một doanh nghiệp thừa nhận và chỉ ra hàng loạt những bất cập: Kho số ảo tăng nhanh và bắt đầu phải áp dụng dần phương thức khai báo thuê bao trả trước; thuê bao tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh; doanh thu không đạt như mong muốn nhưng yêu cầu đáp ứng dịch vụ lại luôn ở mức nóng...

 

Bên cạnh đó, những tranh cãi bên lề bắt đầu được nhìn nhận khi nhiều ý kiến cho rằng: Các chương trình khuyến mãi liên tiếp; giá trị khuyến mãi lên đến 200%... thực chất đã có dấu hiệu như bán phá giá.

 

Song hệ lụy lớn và bức xúc nhất vẫn là vấn đề chất lượng cuộc gọi và dịch vụ đi kèm. Thực tế hiện nay, do lượng thuê bao của các mạng khá lớn nên các tổng đài đã không thể đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ giải đáp những khúc mắc của khách hàng.

 

Đặc biệt, đa số khách hàng cho rằng việc bị ngắt quãng cuộc gọi, gọi không kết nối ngay cả khi có sóng... đã là căn bệnh “mãn tính” của các mạng di động mà khách hàng buộc phải chấp nhận như “sống chung với lũ”.

 

Và thực tế, các doanh nghiệp gần như đã buộc phải thừa nhận điều này khi hầu hết chưa dám công bố công khai chất lượng. Từ vấn đề này, một chuyên gia của hãng viễn thông nước ngoài cảnh báo: Nếu chất lượng cuộc gọi của các mạng di động không được cải thiện, khách hàng sẽ có xu hướng tìm đến những dịch vụ thay thế khi có thể.

 

Theo P.Anh - H.Thụy

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm