Khủng hoảng toàn cầu, vốn tài trợ cho Việt Nam giảm gần 1 tỷ USD
(Dân trí) - So với 2012, vốn tài trợ của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam năm 2013 đã giảm còn gần 6,5 tỷ USD, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong số này không bao gồm hỗ trợ cho hoạt động tái cơ cấu DNNN và ngân hàng.
CG năm tới sẽ trở thành diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Việt Nam và các nhà tài trợ (Ảnh: BD).
Khép lại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) 2012, theo thông lệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chính thức công bố con số viện trợ, cho vay từ các đối tác phát triển dành cho Việt Nam trong năm 2013.
Cụ thể, tổng số tiền cam kết của các đối tác phát triển "chốt" cho Việt Nam trong năm 2013 là 6,485 tỷ USD (gần 6,5 tỷ USD).
Đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Vinh đánh giá, đây là con số không hề nhỏ giữa bối cảnh suy thoái kinh tế, nợ công châu Âu cũng như các vấn đề về thiên tai, địch họa... ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà tài trợ của Việt Nam.
Như vậy, theo Bộ trưởng, đây là "một sự ưu ái" mà các đối tác phát triển đã dành cho Việt Nam. Theo đó, trong khi tại các quốc gia tham gia tài trợ cho Việt Nam, người dân phải thắt lưng buộc bụng để chống chọi với nợ công và khủng hoảng thì mỗi đồng tiền dành cho Việt Nam đều quý giá.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ quản lý và sử dụng nguồn lực, giải ngân vốn tài trợ một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, trong con số cam kết tổng thể năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư không công bố chi tiết về từng gói tài trợ của từng đối tác đối với những hạng mục cụ thể. Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, con số tài trợ này không bao gồm những nội dung riêng biệt dành cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng mà chỉ bao gồm những chi phí chung liên quan đến hoạt động nghiên cứu tái cơ cấu. Những nội dung này sẽ được hỗ trợ từ các dự án riêng của các đối tác phát triển.
Một số đối tác phát triển trong quá trình diễn ra Hội nghị dần tiết lộ về con số cam kết trong năm sau bao gồm Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Nhật Bản sẽ cung cấp 2,6 tỷ USD, EU cung cấp 743,16 triệu Euro - thành viên đóng góp nhiều nhất là Pháp với 261,5 triệu Euro.
Như vậy, vốn cam kết của các đối tác phát triển cho năm sau chỉ bằng 87,8% gói cam kết cho năm 2012 (tương ứng giảm gần 900 triệu USD).
Nói về CG lần này, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho biết, đây sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước, chủ yếu để phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA.
"Hiện nay, hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết và thảo luận ODA riêng và chức năng huy động nguồn lực của Hội nghị các nhà tài trợ đã không còn phù hợp. Điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác phát triển" - Bà Victoria Kwakwa nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, năm sau, CG sẽ không còn mang tên gọi như hiện nay mà sẽ có tên mới là "Diễn tác đối tác phát triển Việt Nam". Bộ trưởng thể hiện mong muốn, hy vọng các đối tác phát triển sẽ chọn những nội dung thật quan trọng và bức xúc của Việt Nam để đưa ra bàn bạc và giải quyết.
"Đúng là đã đến lúc chúng ta hành động. Chính phủ Việt Nam đã hành động, đang hành động và sẽ hành động. Dân tộc Việt Nam chúng tôi có truyền thống càng khó khăn càng đoàn kết, càng khó khăn càng biết cách để vượt qua. Đây là lúc Việt Nam đang gặp khó khăn về kinh tế và chúng tôi sẽ vượt qua được khó khăn của mình" - Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Bích Diệp