Khủng hoảng nợ tại châu Âu: Italy có thể là nước tiếp theo

(Dân trí) - Hôm nay, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp mặt tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và lo ngại Italy có thể là nước tiếp theo.

Khủng hoảng nợ tại châu Âu: Italy có thể là nước tiếp theo - 1
Cuộc khủng hoảng nợ đang lan ra toàn khu vực eurozone.
 
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ bàn bạc để đưa ra gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp khi vấn đề nợ công tại châu Âu có nguy cơ trầm trọng hơn.

 

Phát biểu trên Financial Times, các nhà lãnh đạo EU cũng đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận việc Hy Lạp sẽ không có khả năng trả nợ đối với một số trái phiếu chính phủ.

 

Financial times cũng cho hay, tại cuộc họp này, kế hoạch cứu trợ mới dành cho Hy Lạp cũng sẽ được bàn bạc. Kế hoạch này bao gồm cả sự nhượng bộ của các chủ nợ châu Âu cho Hy Lạp như giảm lãi suất cho các món nợ được cứu trợ và chương trình mua lại trái phiếu.

 

Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Âu cũng đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp.

 

Mối e ngại cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ lan ra toàn khu vực Eurozone càng được dấy lên sau chứng khoán Italy sụt giảm thảm hại trong phiên giao dịch thứ 6 tuần trước. Giá cổ phiếu bị kéo thấp xuống khi kết quả “Stress Test” sẽ được công bố trong tuần này. Cổ phiếu tại Unicredit Spa, ngân hàng lớn nhất Italy, đã giảm gần 8 điểm sau phiên giao dịch hôm thứ 6 vừa qua.

 

“EU đang thực sự lo ngại về những gì đã xảy ra hôm thứ 6 vừa rồi. Những lãnh đạo chủ chốt chợt nhận ra rằng cuộc khủng hoảng đang lây lan ra các nước lớn và đáng lo hơn là những nước này có rất ít sự chuẩn bị”, một chuyên gia cho biết.

 

Các chuyên gia cho rằng, sự bất ổn định chính trị tại Italy hiện nay có sẽ làm tăng thêm cơ hội cho những biến động về tài chính. Ông Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italy đã có nhiều bất đồng với Bộ trưởng tài chính Giulio Tremonti - người ủng hộ và áp dụng những chương trình “thắt lưng buộc bụng”.

 

Vào cuối tuần trước, lãi suất trái phiếu chính phủ Italy thời hạn 10 năm tăng cao so với trái phiếu chính phủ Đức đã đẩy mức phí vay của chính phủ Italy lên mức cao kỷ lục.

 

Cho đến nay, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã phải chấp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, những yêu cầu về tài chính để có được những hỗ trợ của Italy sẽ thấp hơn so với những nước trước đó.

 

Theo một chuyên gia, những quỹ hộ trợ hiện nay dành cho các nước Eurozone là không đủ. “Các quỹ này còn không đủ để giúp Tây Ban Nha chứ đừng nói đến Italy. Và việc mỗi nước lâm vào khủng hoảng cũng đồng nghĩa với việc ít đi một nước đóng góp vào các quỹ này”.

 

Cho đến nay, các quan chức của EU coi cuộc khủng hoảng nợ công là một vấn đề thanh khoản có thể giải quyết bằng các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu các nền kinh tế lớn như Italy cũng gặp phải khủng hoảng thì cần phải có những thay đổi về cấu trúc lớn hơn tại khu vực Eurozone.

Ngọc Trang

Theo Telegraph