Khu đô thị phía nam trong tiến trình TPHCM tiến ra biển Đông
Định hướng phát triển mở rộng TPHCM hướng ra biển Đông dựa trên nghiên cứu quy luật các thành phố lớn trên thế giới có ưu thế phát triển nhanh đều nằm ở ven biển…
Trong bối cảnh đó, TPHCM đã và đang nỗ lực tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng và thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư theo một định hướng xuyên suốt là phát triển TPHCM tiến ra biển Đông. Theo kế hoạch, đến năm 2015 thành phố phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17 m²/người, năm 2020 là 20 m²/người và đến năm 2025 phấn đấu đạt 22,4 m²/ người.
Giới chuyên gia đánh giá, trong tiến trình tiến ra biển Đông, TPHCM đã có sẵn một cơ sở hạ tầng, với một số các dự án đã và đang triển khai đều có qui mô lớn như: Khu chế xuất Tân Thuận (năm 1991, quy mô 300 ha), Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (năm 1993, quy mô 600 ha), Khu Công nghiệp Hiệp Phước (năm 2007, 2 giai đoạn với quy mô 932 ha), KCN Long Hậu (năm 2006, quy mô 141,85 ha)…
Trong đó, đề án Khu đô thị Nam thành phố với trung tâm là đô thị Phú Mỹ Hưng được đánh giá là có đầy đủ chức năng về thương mại, tài chính quốc tế, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cao và du lịch quốc tế ở Việt Nam.
Chỉ có thể thay đổi khi dám nghĩ khác
Chiến lược phát triển thành phố tiến ra biển Đông đề ra ba bước. Thứ nhất, khu chế xuất Tân Thuận và Nhà máy Điện Hiệp Phước. Thứ hai, khu đô thị mới Nam thành phố và thứ ba là đề án khu đô thị cảng Hiệp Phước. Trong đó, ý tưởng biến vùng đầm lầy rộng lớn thành khu đô thị hiện đại đến từ nhà đầu tư - Ông Lawrence S. Ting, Cố chủ tịch hội đồng quản trị công ty Phú Mỹ Hưng.
Cả ba bước của chiến lược đều có xuất phát điểm là những công trình tiên phong. Vì thế, khó khăn không chỉ thiếu một mô hình, một “con đường cái quan” để đi mà còn muôn vàn thử thách bởi cơ chế, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và những cái nhìn còn thiếu thiện cảm về nhà đầu tư nước ngoài. Đó là hành trình vừa đi, vừa làm, vừa học và vừa điều chỉnh.
Vì vậy, chỉ có thể thay đổi khi dám nghĩ khác. Đó là những quyết sách đúng đắn của các cấp lãnh đạo, là sự dấn thân, nỗ lực không mệt mỏi của những con người chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai với tâm niệm “để tạo ra một thành phố lớn, nó không phải là những gì bạn lấy đi mà chính là những gì bạn để lại phía sau”, trích Hồi ký Xin nhận nơi này quê hương của cố chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Phú Mỹ Hưng.
Sự lan tỏa của những công trình tiên phong
Vùng đất đầm lầy rộng 300 ha tại xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè (nay là Quận 7), được chọn là nơi triển khai khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, mở ra cánh cửa thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài vào TPHCM và các vùng lân cận bởi vị trí gần cảng, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km; đặc biệt, đây là khởi điểm để thực hiện hàng loạt chương trình đưa TPHCM tiến ra biển Đông.
Thực tế, khu chế xuất Tân Thuận không chỉ tạo dòng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho vùng đất nghèo Nhà Bè theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, cơ sở hạ tầng được đầu tư… mà còn là một hình mẫu, mô hình mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Chặng đường thứ hai, khu đô thị mới Nam thành phố, mà trong đó, khu đô thị Phú Mỹ Hưng là hạt nhân, trung tâm. Đánh dấu quá trình hình thành và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng là đại lộ Nguyễn Văn Linh. Được khởi công ngày 30/12/1996 và được đưa vào sử dụng sau 11 năm triển khai, đại lộ Nguyễn Văn Linh là con đường huyết mạch, nối liền TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa và cải tạo vùng đất nông nghiệp phèn mặn trở thành một đô thị hiện đại.
Hàng loạt công ty, tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu quốc tế có mặt tại Khu Thương mại Tài chính Quốc tế Phú Mỹ Hưng tạo nên diện mạo đô thị hoàn chỉnh chức năng.
Dựa trên đặc điểm khu Nam thành phố có dòng sông bao bọc, SOM đã tạo nên một đô thị sông nước Nam Bộ, bảo tồn, cải tạo những vùng đệm sinh thái tự nhiên và sáng tạo thêm các hình thái không gian cộng đồng đô thị. Ví dụ, tại đô thị Phú Mỹ Hưng hệ thống kênh rạch hiện hữu không chỉ được cải tạo giúp thủy lộ xuyên suốt mà còn liên kết cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc; các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm không gian cộng đồng độc đáo, thu hút đông đảo người dân thành phố đến du ngoạn, vui chơi, giải trí như phố dạo bộ ven Hồ Bán Nguyệt (Khu The Crescent), lối dạo bộ ven sông Khu Cảnh Đồi, hay phố dạo bộ, mua sắm Khu Kênh Đào.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà quy hoạch tổng thể khu Nam thành phố được trao tặng nhiều giải thưởng ý nghĩa như Giải thưởng kiến trúc đô thị lần thứ 42 của tạp chí Kiến Trúc Tiến Bộ Mỹ (năm 1995). Lần đầu tiên một đô thị ở châu Á được trao Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ (năm 1997), Chứng nhận Công trình kiến trúc tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới do Hội kiến trúc sư Việt Nam trao tặng (năm 2008), Giải thưởng toàn cầu dành cho công trình xuất sắc do Viện đô thị Mỹ (Urban Land Institute) trao (năm 2012)…
PV