Không tiềm năng, giới đầu tư chẳng đến Việt Nam!
(Dân trí) - “Nếu Việt Nam không phải là thị trường hứa hẹn thì họ chẳng mất thời gian đến Việt Nam làm gì…” - ông ReubenTucker, Giám đốc thị trường vốn vay Ngân hàng Barclays Capital đã trao đổi như vậy với Dân trí về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Barclays Capital được đánh giá là ngân hàng hàng đầu về quản lí trái phiếu trên thế giới. Xin ông cho biết cụ thể hơn về lĩnh vực hoạt động của ngân hàng cũng như những hoạt động sẽ triển khai với thị trường Việt Nam?
Công việc của chúng tôi là nghiên cứu các thị trường sau đó cố vấn cho các Chính phủ, các công ty xem làm thế nào để đầu tư có hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem độ tín nhiệm của thị trường Việt Nam có cao không chẳng hạn. Sau đó sẽ đưa ra một bản tín nhiệm để các ngân hàng khác nhìn vào đó xem có nên đầu tư vào đây hay không, có nên mua trái phiếu Việt Nam hay không.
Một số thị trường chúng tôi đã từng làm các công việc như vậy là Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan hoặc một số nước Nam Mỹ như Mehico, Achentina, Venezuela… Chúng tôi nghiên cứu chủ yếu về trái phiếu và là một trong những công ty hàng đầu cung cấp thông tin cho những ngân hàng hàng đầu trên thế giới.
Khi vào Việt Nam chúng tôi có thể giúp Chính phủ Việt Nam vấn đề trái phiếu, phát hành trái phiếu như thế nào, đồng thời tư vấn cho các ngân hàng Việt Nam làm thế nào để thu hút đầu tư của nước ngoài.
Phiên họp gần đây của Chính phủ Việt Nam đã đề cập tới vấn đề phát hành trái phiếu ra nước ngoài đợt mới. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của đợt phát hành trái phiếu này?
Tôi nghĩ thời điểm đưa ra quyết định này là đúng lúc vì hai lí do: thứ nhất, đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Việt Nam đã thành công; thứ hai, hiện tại tỉ giá lãi suất cũng đang rất cao trên thế giới.
Cũng phải đề cập đến việc, gần đây những nước Mỹ la tinh giảm phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế và điều này tạo cơ hội cho Việt Nam. Những người thường đầu tư vào thị trường Mỹ la tinh không có chỗ để mua nữa, họ sẽ chuyển sang Việt Nam. Nhiều người đang nghĩ Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng mới ở châu Á, sẽ trở thành một nước thu hút được nhiều vốn đầu tư trong tương lai.
Đó là chưa kể gần đây một sự kiện lớn đã diễn ra ở Việt Nam như APEC 2006, bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ, Việt Nam gia nhập WTO đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm chú ý.
Còn sự đảm bảo từ nền kinh tế của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Việt Nam đang có một đà tiến, một guồng quay rất nhanh trong những năm qua. Nhờ có guồng quay đó nền kinh tế tăng trưởng mạnh giúp mức độ tín nhiệm của Việt Nam tăng lên. Các ngân hàng quốc tế, giới tài chính quốc tế cảm thấy tự tin hơn khi họ đầu tư mua trái phiếu của Chính phủ Việt Nam.
Có ba điểm mà các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến: thứ nhất là động lực, thứ hai là sự bền vững ổn định, thứ ba là những chính sách phát triển kinh tế đưa ra có hiệu quả hay không. Nếu căn cứ trên ba điểm này để xem nhà đầu tư có nên mua trái phiếu của Việt Nam hay không thì rõ ràng, Việt Nam đang được đánh giá rất cao.
Rất nhiều người đã đưa ra những đánh giá tốt về Việt Nam như ông. Liệu trong đó có nhiều phần của lịch sự, “khách sáo” không thưa ông?
Cái đó không phải là lịch sự. Nếu Việt Nam không phải là thị trường hứa hẹn thì họ chẳng mất thời gian đến Việt Nam làm gì. Cái tôi vừa nói thì tôi có bằng chứng cụ thể, ví dụ cơ quan chi nhánh của chúng tôi ở Singapore đang làm một bài nghiên cứu về thị trưòng ở Việt Nam, vài tuần nữa anh đọc anh sẽ nhìn thấy kết quả như thế nào.
Tôi cũng nói chuyện với nhiều nhà đầu tư tài chính trên thế giới, họ nói rất nhiều người tìm mua trái phiếu hoặc những đầu tư vào Việt Nam nhưng không tìm được vì Việt Nam phát hành trái phiếu một lượng rất nhỏ vào năm 2005. Hi vọng lần phát hành trái phiếu tới đây sẽ bù lấp những chỗ đó, những chỗ cung với cầu chênh nhau.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường