1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Không tăng tỷ lệ sở hữu ngân hàng cho phía nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã thống nhất quan điểm giữ nguyên hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán, sau nhiều ý kiến tranh luận có nên mở rộng ra 49% hay không.

Quan điểm này được tái khẳng định trong dự thảo hoàn chỉnh nghị định về việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ tuần qua. Các quy định về đối tượng mua, bán; tỷ lệ sở hữu... không thay đổi nhiều so với những lần dự thảo trước.

Theo đó, chỉ có ngân hàng, tập đoàn tài chính, công ty quản lý quỹ đầu tư và các loại hình tổ chức tín dụng nước ngoài khác mới được phép mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tổng hạn mức sở hữu cổ phần (room) dành cho đối tượng này là 30%, mỗi công ty quản lý quỹ chỉ được mua tối đa 5%, các đối tượng khác được sở hữu 10%, riêng nhà đầu tư chiến lược hưởng tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Khi ngân hàng lên sàn, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ theo các quy định hiện hành về chứng khoán, song tổng hạn mức vẫn là 30%. Room cho mỗi nhà đầu tư ngoại không hạn chế như khi ngân hàng chưa lên sàn, tuy nhiên, nếu giao dịch mua bán chứng khoán dẫn đến tỷ lệ sở hữu 5-20% tổng số cổ phiếu niêm yết của ngân hàng, các bên phải có thư không phản đối của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi tiến hành giao dịch. Nếu Giao dịch mua bán dẫn đến một nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 20% số cổ phiếu niêm yết thì phải có văn bản chấp thuận của thống đốc.

Nếu dự thảo nghị định được thông qua, đây sẽ là tin không vui với các nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng có thêm cơ hội nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán, và đặc biệt là những nhà đầu tư có ý định thâm nhập sâu hơn vào thị trường ngân hàng Việt Nam.

Sacombank là ngân hàng thương mại đầu tiên và duy nhất niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Tuy nhiên, trước khi lên sàn, nhà băng này đã trót "kết hôn" với 3 đối tác nước ngoài với tỷ lệ góp vốn lên tới 26,3%.

Hạn mức nhỏ nhoi còn lại hiện được lấp gần đầy sau một tháng giao dịch, kể từ khi niêm yết hôm 12/7. Sự tham gia hạn chế của yếu tố nước ngoài trong các giao dịch cổ phiếu Sacombank là một phần nguyên nhân khiến thị giá Sacombank không tiếp tục tăng cao như kỳ vọng ban đầu.

Ủng hộ quan điểm khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia vào các ngân hàng thương mại Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đây lại tiếp tục gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, một mặt đề xuất mở rộng đối tượng mua cổ phần ngân hàng, mặt khác đề nghị cho phép mở room lên tới 49% vốn điều lệ, trong đó hạn mức dành cho nhà đầu tư chiến lược tối đa là 30%.

Theo VAFI, nới rộng room sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thu hút và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Hơn nữa, với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng, cổ phiếu của ngân hàng sẽ có tính thanh khoản cao hơn.

Bản thân các ngân hàng cũng có cơ hội tăng nhanh vốn điều lệ và thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới về vốn, công nghệ cũng như trình độ quản lý. Nguy cơ thôn tính, chi phối lớn hơn nếu áp dụng tỷ lệ 49%, song theo VAFI, khả năng đó cũng rất khó xảy ra bởi theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, những quyết định quan trọng tại Đại hội cổ đông phải đạt sự đồng thuận của 75% tổ số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước thừa nhận sự tham gia của yếu tố nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng trong thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam. Bản thân các ngân hàng cũng có cơ hội cọ xát trước khi cánh cửa thị trường nội địa bị mở toang.

Hơn nữa, theo vị quan chức này, xu hướng hiện nay cả thế giới là một thị trường thống nhất, vì vậy không nên quá câu nệ ngân hàng nước ngoài hay ngân hàng trong nước, miễn là họ cung cấp dịch vụ tốt, mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Vì vậy, cá nhân ông ủng hộ quan điểm nới room lên 49%, thậm chí 100% khi ngân hàng lên sàn.

Những quan điểm ủng hộ mở rộng cửa thị trường hơn nữa khiến ban soạn thảo nghị định mua bán cổ phần ngân hàng phải đình lại một thời gian để xem xét lại trước khi trình lên Thủ tướng chính phủ.

Tuy nhiên, theo quan điểm chính thức của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm, cần kiểm soát ở mức độ nhất định. Hơn nữa, việc khống chế room ở mức 30%, cũng đã được các đối tác đàm phán WTO chấp nhận.

Theo Song Linh
VnExpress