Chủ tịch ABAC Việt Nam Hoàng Văn Dũng:

Không phát triển công nghệ cao, ta mãi đi làm thuê, “ráo mồ hôi là hết tiền”

(Dân trí) - "Chúng ta muốn phát triển nhanh, chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ và có những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam từ khâu nghiên cứu đến phát triển sản phẩm. Còn nếu chúng ta vẫn đi làm thuê thì “ráo mồ hôi hết tiền”.

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Dân trí như trên sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của ABAC (Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC) sáng 5/11, tại Đà Nẵng.

Không phát triển công nghệ cao, ta mãi đi làm thuê, “ráo mồ hôi là hết tiền” - 1
Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam: Không phát triển công nghệ cao, ta sẽ mãi đi làm thuê, “ráo mồ hôi là hết tiền”

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC Việt Nam chia sẻ các nội dung khuyến nghị ABAC thống nhất trình lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC

PV: Ông có thể cho biết những nội dung mà ABAC đã thống nhất để đưa ra những khuyến nghị với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017?

- Ông Hoàng Văn Dũng: Cuộc họp lần này của ABAC tập trung khuyến nghị 3 nhóm vấn đề: Một là hội nhập sâu hơn trong khu vực và bỏ hàng rào bảo hộ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển và đầu tư; hai là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỷ thuật số; ba là tầm nhìn 2020 và những năm tiếp sau đó.

Các thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) tham dự kỳ họp thứ 4 năm 2017 tại Đà Nẵng
Các thành viên Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) tham dự kỳ họp thứ 4 năm 2017 tại Đà Nẵng

Trước đây, chúng ta dự kiến đưa ra 20 khuyến nghị, nhưng nếu như thế thì dàn trải, không tập trung, nên chúng ta đưa ra 3 vấn đề cốt lõi như trên. Đây là một sáng kiến của Việt Nam năm nay.

Còn một vấn đề nữa là năm nay chúng ta tập trung rất nhiều về công nghệ số, các dịch vụ công nghệ số. Đây là cái sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng của khu vực trong thời gian tới.

* Một trong những mục tiêu trọng điểm của APEC là tự do hóa thương mại trong khu vực. Mục tiêu này đang gặp phải một số thách thức như là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Phải nhìn nhận mục tiêu tự do hóa thương mại như thế nào để thấy đây là định hướng đúng cho Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Trong 28 năm hoạt động của APEC, với mục tiêu tự do hóa thương mại, chúng ta đã đưa được thu nhập bình quân đầu người của mỗi nền kinh tế tăng lên gấp 5 lần; 1,2 tỷ người dân thoát nghèo; rào cản thuế từ 17% giảm xuống còn 12,5% và đang tiếp tục giảm. Và càng giảm chủ nghĩa bảo hộ, giảm hàng rào thuế quan thì kinh tế trong khu vực sẽ càng phát triển. Chỉ có tiếp cận với hội nhập, tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới thì chúng ta mới phát triển được.

Và chúng ta phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì người dân Việt Nam mới được hưởng lợi, các doanh nghiệp của chúng ta mới trưởng thành.

* ABAC đã đưa ra những nội dung trao đổi nào hướng tới một trong những ưu tiên của Năm APEC 2017 là phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm (tất cả doanh nghiệp, người dân ở các nền kinh tế thành viên đều được hưởng lợi - PV)?

Chúng tôi mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm phát triển của thế giới trong khu vực. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể phát triển. Và không có bất cứ một nền kinh tế nào có thể tự mình làm ra sản phẩm hoàn chỉnh nào mà phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì mới có thể sử dụng thế mạnh của mình mới có thể phát triển được. Ví dụ, máy bay Boeing của Mỹ có 3 triệu bộ phận thì có đến 70% bộ phận được làm ở bên ngoài nước Mỹ.

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4 năm 2017 của ABAC
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 4 năm 2017 của ABAC

Nhưng phải nhìn nhận trong thực tế, người công nhân tham gia quá trình sản xuất được hưởng lợi rất là thấp, còn hầu hết là lợi nhuận đổ vào những nhà sáng chế, trí tuệ cao. Thế nên chúng ta muốn phát triển nhanh, chúng ta phải phát triển khoa học công nghệ và có những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam từ khâu nghiên cứu đến phát triển sản phẩm. Còn nếu chúng ta vẫn đi làm thuê thì mãi mãi là “ráo mồ hôi hết tiền”, và không chỉ đi làm thuê ở nước ngoài mà làm thuê ngay trên chính đất nước của mình.

* Vậy ABAC có khuyến nghị gì để phát triển công nghệ cao?

Chúng tôi khuyến nghị xây dựng chính sách, môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, khoa học, để công nghệ mới có thể được áp dụng nhanh chóng. Ví dụ như công nghệ của Uber, Grab. Họ rất là hay ở chỗ họ không có ô tô nào, cũng không có người lái xe, cũng không phải trả lương, mà mỗi năm họ kiếm được hàng tỷ đồng dù họ đang ngồi ở bên Mỹ. Còn chúng ta ở đây thì tốn kém tiền nong các thứ mà cũng chỉ là làm thuê thôi. Cho nên chúng tôi muốn nhấn mạnh lại là muốn phát triển, chúng ta phải đi vào khoa học công nghệ.

* Vậy ABAC đã có những khuyến nghị nào để phát triển doanh nghiệp sáng tạo, ủng hộ start-up, thưa ông?

Với các start up, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển. Và chúng tôi vẫn khuyến khích doanh nghiệp phải và muốn tự đứng bằng chính đôi chân của mình chứ không trông đợi ngân sách hỗ trợ, tự đi câu con cá thì mới phát triển bền vững.

Nếu người ta đói, mình cho họ con cá thì ngày mai người ta lại đói, lại đi xin con cá. Và thực tế hiện nay, như chúng ta thấy, rất nhiều doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp trí tuệ, sáng tạo rất thành công trên thương trường.

Tâm An (thực hiện)