Phân khúc bất động sản hạng sang:
Không phải Việt kiều nào cũng giàu!
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng: “Việt kiều và người nước ngoài không phải là ông phật Di lặc ôm tiền về mua nhà. Nhiều Việt kiều nghèo lắm”.
Đón nguồn vốn ngoại
Tại hội thảo “Mở nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam” diễn ra ngày 14/9 tại TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cho biết, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 cho phép Việt kiều, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam là chính sách cởi mở, là cú “hích” mạnh cho nguồn vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phấn khích nói rằng, luật cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là tuyệt vời. Giá nhà ở Việt Nam tương đối rẻ so với các nước trên thế giới, còn Việt kiều có thu nhập ngày càng cao. Ông Hiếu nhận định từ nay đến cuối năm thị trường sẽ ngày càng "ấm" lên.
Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, qua khảo sát người nước ngoài, Việt kiều, họ thực sự quan tâm đến mức độ an toàn, an ninh cũng như các tiện ích trước và sau khi nhận nhà tại Việt Nam.
Hiện nay, một số dự án đã bán, có nơi chiếm tới 40% người nước ngoài thuê và nhiều người có nhu cầu mua. Tuy nhiên, theo ông Lực, với bất kỳ công ty nào muốn đẩy mạnh phân khúc khách hàng này cũng cần phải chuẩn bị một đội ngũ giỏi về ngoại ngữ, phương thức bán hàng mới…
Đón đầu cơ hội kiều bào, người nước ngoài mua nhà, nhiều công ty đã triển khai dự án căn hộ trung cao cấp. Thậm chí, có tập đoàn bất động sản lớn tại TPHCM còn “thiết kế” riêng một chương trình dành riêng cho kiều bào và người nước ngoài với những dịch vụ khuyến mại đi kèm… hậu hĩnh.
Việt kiều - không phải ai cũng giàu
Các công ty bất động sản ưu tiên phân khúc căn hộ hạng trung cao cấp để bán cho Việt kiều, người nước ngoài vì cho rằng đây là những “khách hàng giàu có”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, người nước ngoài, Việt kiều cũng như khách hàng trong nước quan tâm nhiều đến những căn hộ với mức giá vừa phải, tầm 1,6 tỷ đồng/căn.
Với nhóm khách hàng người nước ngoài là những chuyên gia thì họ thích thuê căn hộ ở trung tâm thành phố để ở, thuận tiện cho di chuyển đến nơi làm việc hơn là mua căn hộ. Còn với Việt kiều, không phải ai cũng nhiều tiền để sở hữu.
Ông Lê Ngọc Lâm, Việt kiều Nhật cho biết, không phải Việt kiều nào cũng giàu. Nhiều bà con Việt ở hải ngoại cuộc sống còn rất khó khăn. Cũng có người đi làm thuê, công việc bấp bênh. Tuy nhiên, ai cũng muốn trở về quê hương. Vì thế, dù luật cho phép Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng nếu căn hộ giá cao thì cũng là một “rào cản”.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng: “Việt kiều và người nước ngoài không phải là ông phật Di lặc ôm tiền về mua nhà. Nhiều Việt kiều nghèo lắm”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản dẫn ra một trường hợp cụ thể, ở chung cư Thái An có một Việt kiều già, ở căn hộ dưới chuẩn 38m2, cuộc sống có nhiều khó khăn.
“Hãy đầu tư căn hộ phân khúc vừa phải. Đừng chạy theo phân phúc 100.000 - 200.000 USD”, ông Nguyễn Văn Đực nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam là việc bảo hiểm quyền sử dụng đất đai. Ông Hiếu cho biết, tại Mỹ và khu vực châu Âu, người dân thường tới ngân hàng vay tiền để mua nhà chứ không dùng tiền tiết kiệm để mua. Ngân hàng ở Mỹ thì sẵn sàng cho vay với điều kiện phải có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai. Với điều kiện này, trong tương lai nếu có tranh tụng mà người mua nhà thua kiện thì bảo hiểm sẽ lo cho họ.
Người Mỹ hay ở châu Âu khi mua nhà ở Việt Nam sẽ nghĩ đến việc vay ngân hàng ngoại tại Việt Nam. Ngân hàng ngoại cũng sẽ đòi có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai mới cho vay vốn. Trong khi hiện nay tại Việt Nam chưa có hãng bảo hiểm quốc tế nào đứng ra bảo hiểm quyền sử dụng đất, bởi Việt Nam quy định đất là sở hữu toàn dân.
Rào cản lớn khác mà theo ông Nguyễn Dư Lực là việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam để mua nhà thì dễ nhưng khi bán nhà thì liệu có được đem ngoại tệ đi một cách thuận lợi hay không? Chính những điều chưa rõ ràng trong việc bảo hiểm quyền sử dụng đất đai và chuyển ngoại tệ ra/vào đang trở thành điểm “nghẽn” khiến người nước ngoài chỉ mới đến dự án ở dạng tìm hiểu, thăm dò.
Theo thống kê của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 8/2015 đã có 403 người nước ngoài được cấp “sổ đỏ” (trước khi luật Nhà ở có hiệu lực vào ngày 1/7, con số này dừng lại ở 200 người). Ngoài ra, tính đến nay có hơn 500 Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Công Quang