"Không nên thu hút đầu tư bằng bất kỳ giá nào"

Sau thời gian lặng lẽ, Hà Nội đã "trở mình" một cách đáng ngạc nhiên khi thu hút hơn một tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chỉ trong sáu tháng đầu năm nay. Ông Nguyễn Thế Quang, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết về bước chuyển này.

Thưa ông, kết quả thu hút ĐTNN của Hà Nội nửa đầu năm nay đạt khá như vậy phải chăng là do Thành phố có những biện pháp rất đặc biệt…?

Tôi nghĩ biện pháp tốt nhất là làm sao cho các nhà đầu tư hiểu tiềm năng, khả năng đáp ứng của Hà Nội. Đặc biệt là môi trường kinh doanh vào Hà Nội đang được xây dựng theo hướng thông thoáng, hệ thống cơ chế cụ thể, sát thực và dễ hiểu.

Đây là điều rất cần thiết cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vào đây có thể "đọc" được Hà Nội dành gì, làm gì cho mình và mình có thể tồn tại, phát triển hơn ở nơi này.

Vậy ông có thể nói cụ thể hơn về những việc mà Hà Nội đã và đang làm để thu hút ĐTNN… ?

Thủ tục hành chính nhanh chóng; các sở, ngành hiện đang tập trung rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy phép đầu tư. Trước đây phải mất tháng rưỡi hay một tháng thì nay tối đa là bảy ngày từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Tiếp đó là giảm sự phiền nhiễu của các cơ quan công quyền.

Hà Nội cũng công bố chịu hết các chi phí xây dựng những công trình "ngoài hàng rào" như điện, nước, đường sá. Đặc biệt Hà Nội còn hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng và đào tạo lao động theo hướng có chất lượng cao.

Ngoài ra, những ứng xử hàng ngày liên quan đến nhà đầu tư như thuế má, trật tư trị an… cũng được Hà Nội xem trọng, bởi có như vậy mới tạo được sự an tâm cho nhà đầu tư khi quyết định làm ăn lâu dài.

Hà Nội dự kiến năm nay sẽ thu hút được bao nhiêu vốn ĐTNN?

Năm nay, chúng tôi có thể đạt được khoảng hai tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký không kể là địa phương cấp hay Trung ương cấp, bởi xét đến cùng những hấp dẫn khiến nhà đầu tư quyết định rót vốn chính là từ thực tế tại địa phương.

Nhưng Hà Nội cũng có những bất lợi so với những địa phương lân cận đang "trỗi dậy" trong thu hút ĐTNN?

Sức cạnh tranh của ĐTNN tại Hà Nội, nếu tính trên các vấn đề cụ thể như giá đất, tiền lương… thì không thể lại so với các địa phương khác. Hơn nữa, Hà Nội không bao giờ có ý định "vượt rào" như một số địa phương khác.

Hà Nội sẵn sàng cạnh tranh bằng vị trí của mình, còn với giá lao động cao, giá đất cao thì cũng chỉ có những doanh nghiệp đủ lực mới vào. Điều này đáp ứng mong muốn của Hà Nội là không phải thu hút ĐTNN bằng bất kỳ giá nào.

Cái hấp dẫn của thu hút ĐTNN tại Hà Nội, theo tôi là hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại lễ tuyên dương các doanh nghiệp ĐTNN mới đây, đã có những góp ý rất thẳng thắn đối với những vấn đề rất cụ thể từ các nhà đầu tư như xây nhà cho công nhân trong KCN, mở thêm các tuyến ô tô buýt qua khu công nghiệp… Các kiến nghị này được lãnh đạo thành phố đón nhận như thế nào?

UBND Thành phố đã có những xử lý từng trường hợp cụ thể cho nhà đầu tư. Không chỉ vậy, mới đây Thành phố cũng đã bàn với công đoàn thành lập các tổ chức công đoàn trong các KCN đại diện cho người lao động nói chuyện với giới chủ.

Với kiến nghị xây nhà cho người lao động tại KCN Thăng Long, đầu tháng 8 tới, nhà ở cho công nhân tại KCN này sẽ được xây dựng trên quỹ đất 10 ha và vào đầu năm tới, sẽ có nhà mới với nhiều hình thức thuê, mua trả góp, bán đứt để người lao động lựa chọn.

Với những khiếu nại vượt quá tầm tay của Thành phố như chuyện doanh nghiệp phàn nàn về cung cấp điện thời gian qua thì sao, thưa ông?

Tôi nghĩ, thiếu điện thời gian qua là một hiện tượng thôi, chứ Hà Nội lúc nào cũng được ưu tiên phục vụ điện ổn định với chất lượng cao. Hà Nội hiện đang xây dựng quy hoạch phát triển điện lực tới năm 2020.

Như vậy, trừ những bất lợi do thiên nhiên và khách quan mang lại, Hà Nội lúc nào cũng chủ động cung cấp điện tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Theo Đầu tư