Không lo thiếu nguồn cung hàng hóa Tết

(Dân trí) - Còn hơn 3 tháng nữa mới đến tết nguyên đán Kỷ Sửu, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung nhằm đảm bảo lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Theo dự đoán, giá hàng hóa tết chỉ tăng dưới 10% và sức mua tăng trên 20%.

Không ngại hiệu ứng melamine

Công cuộc chuẩn bị hàng hóa tết năm nay của các doanh nghiệp diễn ra khá âm thầm nhưng quyết liệt. Ngay từ những ngày tháng 9, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn vốn, lên kế hoạch với nhà sản xuất để sớm ký các hợp đồng cung ứng hàng.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang xúc tiến ký hợp đồng với các nhà cung ứng, tập trung vào 10 mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp tết là: thịt lợn, thịt gà, thủy sản, gạo, đường, dầu ăn…

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Hà Nội cho hay: Công tác chuẩn bị hàng cho những tháng cận tđã lên kế hoạch từ tháng 9, hiện Big C đang tiến hành thương thảo với các nhà sản xuất, cung ứng để sớm chốt được số lượng, giá cả, các cam kết đi kèm khác.

“Chậm nhất một, hai tuần nữa chúng tôi sẽ phải hoàn tất để có kịp hàng phục vụ nhu cầu mua sắm vì Noel, tết dương lịch, tết nguyên đán khá sát nhau”, ông Dũng nói.

Còn chuỗi siêu thị Hapro lại cử người vào miền Nam từ cách đây gần một tháng để thăm dò thị trường, tìm nguồn hàng phục vụ thị trường phía Bắc, với các sản phẩm: mứt bí, các hoa quả đặc chủng của xứ sở Nam Bộ.
 
Không lo thiếu nguồn cung hàng hóa Tết  - 1
Giá hàng hóa tại siêu thị ổn định hơn so với biến động bên ngoài (ảnh: An Hạ)

Theo các doanh nghiệp, dù thông tin sữa nhiễm melamine có thể ảnh hưởng nhất định đến tâm lý tiêu dùng của người dân nhưng họ không ngại hiệu ứng này. Một trong những yếu tố khiến họ vững tin vào tốc độ tiêu dùng những tháng cuối năm tăng cao là thông tin lạm phát đã bước đầu được kiềm chế.

Tuy nhiên, điều khiến các siêu thị phía Bắc lo lắng là họ chưa nhận được bất kỳ tín hiệu nào của các cơ quan chức năng về quản lý lượng hàng dự trữ dịp tết, sau khi Nghị định xử phạt đầu cơ ra đời.

Năm nay, công tác chuẩn bị hàng hóa tết của Sở Công thương Hà Nội diễn ra khá chậm. Thời điểm này năm ngoái, Sở Thương mại (nay là Sở Công thương) đã gấp rút ngồi lại với các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn thành phố để bàn tính cách thức bình ổn giá cả, thị trường. Các đơn vị phân phối cho biết, hiện họ chưa thấy được triệu tập.

Trong khi đó, TPHCM đã chủ động chuẩn bị kế hoạch dự trữ nguồn hàng cho thị trường tết từ rất sớm. Ngay từ cuối tháng 5, UBND thành phố đã họp bàn về kế hoạch chuẩn bị hàng Tết và đến đầu tháng 7, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương khẩn trương tập trung, rà soát, tổng hợp và hoàn chỉnh kế hoạch hàng hóa, thực phẩm thiết yếu bình ổn thị trường thành phố tết Kỷ Sửu 2009.

Nhận được tín hiệu từ cơ quan quản lý nhà nước và theo kế hoạch mà TPHCM giao, Công ty Vissan lại đang tập trung thực hiện kế hoạch đảm bảo dự trữ thường xuyên 6.000 tấn thịt gia súc, 1.500 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau, củ, quả…

Để ổn định nguồn hàng và bình ổn giá trong dịp tết, Vissan cũng đã ký hợp đồng với các trại, chốt số lượng đồng thời tăng cường thu mua để dự trữ nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất và chế biến từ nay đến cuối năm.

Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cũng đã lên kế hoạch dự trữ thường xuyên 1.000 tấn gạo, 1.800 tấn thịt lợn, bò các loại, 100 tấn thịt gia cầm và 50 tấn thực phẩm chế biến với giá bán cam kết thấp hơn giá thị trường 10%...

Sức mua tăng khoảng 20%

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự báo, sức mua năm nay sẽ tăng 20% so với năm 2007, do Chính phủ vừa công bố tăng lương, tăng phụ cấp. Tuy nhiên, tình hình cụ thể còn phụ thuộc vào túi tiền người dân, khả năng thanh toán, chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp.

Sức mua tăng cao, nhưng giá cả dịp tết, theo nhận định của ông Phú, sẽ không tăng đột biến, mức tăng sẽ chỉ 5 - 10% so với thời điểm hiện tại (nếu loại trừ yếu tố thiên tai, dịch bệnh). Trong đó, các mặt hàng thịt bò, thịt lợn sẽ chỉ tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Còn theo dự đoán của đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng, giá cả hàng hóa Tết chắc chắn sẽ cao hơn do ảnh hưởng lạm phát, nhưng tùy thuộc vào từng mặt hàng mà mức tăng giá sẽ khác nhau. Mặt bằng chung giá các mặt hàng sẽ tăng từ 5 - 7%.

Trong đó, có mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh hơn như: mỳ tôm, dầu ăn, đồ uống, đặc biệt thực phẩm sẽ tăng 10 - 15% so với tết năm ngoái. Big C dự kiến tăng lượng hàng dự trữ đón Tết từ 20 - 30% so với cuối năm ngoái.

Ông Vũ Vinh Phú cho hay: Hiện Sở Công Thương đang xin thành phố hỗ trợ cho vay không lãi suất 160 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng tết, đảm bảo bình ổn giá cả.

Dịp tết năm ngoái, Hà Nội đã ứng hơn 50 tỷ đồng cho các đơn vị phân phối, đây là một con số ít ỏi và đến khá muộn, chỉ cách tết nguyên đán 15 - 20 ngày nên không giúp doanh nghiệp chủ động kinh doanh.

Trong khi, khâu dự trữ doanh nghiệp phải chuẩn bị từ trước tết tối thiểu 2 tháng, mới có thể đảm bảo duy trì được các mức giá bán ra không quá cao.

Hà Nội ra mắt Hiệp hội chống hàng giả và bảo bệ thương hiệu

Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt và Đại hội lần thứ nhất tại Hà Nội, ngày 15/10. Đây là tổ chức tự nguyện của các tổ chức kinh tế nhằm tập hợp, đoàn kết các cơ quan, doanh nghiệp cùng chung sức trên mặt trận chống hàng nhái, hàng giả của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương (Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội) cho biết: Hội sẽ phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả; tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Được biết, trước Hà Nội, nhiều địa phương trong nước đã có Hiệp hội chống hàng giả và đã phát huy hoạt động khá tích cực như: TPHCM, Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng…

An Hạ