"Không làm mờ vai trò của các cơ quan dân cử trong Luật đầu tư công"
(Dân trí) - Với lập luận “vốn ngân sách nhà nước do dân đóng thuế, vốn vay do dân trả”, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh vai trò của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công.
Chiều 27/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công. Các đại biểu cũng thống nhất với việc sớm ban hành dự án Luật Đầu tư công, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho việc thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế.
Tránh đầu tư để phục vụ riêng một nhóm lợi ích
Theo đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An), đầu tư công là sử dụng vốn của dân để xây dựng các chương trình, dự án cho dân nên vốn ngân sách nhà nước do dân đóng thuế và vốn vay do dân trả. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, mục đích người tài trợ cũng chỉ phục vụ cho dân. Vốn đối ứng cũng lấy từ thuế nên chương trình, dự án phải được xác định rõ để phục vụ cho dân, tránh việc đầu tư để phục vụ riêng cho một nhóm lợi ích nào đó.
Như vậy, “vai trò của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, người đại diện cho dân rất quan trọng trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công”, đại biểu Đỉnh nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, ở một số nước, các cơ quan dân cử thậm chí còn được quyền thuê tư vấn thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công. “Đứng trên quan điểm đó, dự thảo Luật đầu tư công này chỉ mới là một bản hệ thống hóa các quy định đã thực hiện từ trước. Trong đó không ít nội dung mang tính đá bóng, thổi còi mà mọi thẩm quyền được giao cho các cơ quan hành chính nhà nước, vai trò của các cơ quan dân cử rất mờ nhạt”, đại biểu phản ánh.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật có điểm sáng, đó là dự thảo kế hoạch đầu tư công cấp trung hạn, nhằm mục đích tránh đầu tư dàn trải, lắt nhắt và không có kế hoạch, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. “Cốt lõi của đầu tư công là chủ trương phù hợp, phương án hợp lý và tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện thì dự thảo luật chưa đáp ứng được đầy đủ. Trong điều kiện hiện trạng không thể đòi hỏi những thẩm quyền, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công của các cơ quan dân cử tại nước ta như một số nước khác; nhưng không vì thế mà tự làm mờ đi vai trò của các cơ quan dân cử trong Luật đầu tư công”, đại biểu Đỉnh nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu dự án Luật cần củng cố lòng tin của người dân khi tiền của dân được sử dụng đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng giá. Đồng thời, Luật cần làm rõ việc thu hút dòng hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các dòng vốn khác để các nhà tài trợ, đầu tư nước ngoài thấy rõ tính minh bạch của Luật đầu tư công của Việt Nam.
Qua xem xét quá trình đầu tư công, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) chỉ ra thực tế: Từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án được sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công còn nhiều kẽ hở của pháp luật.
“Cho nên có bộ, ngành, có địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Có nơi chủ trương tiến hành xây dựng còn nguồn lực để thanh toán thì cứ để đó, ta tiếp tục tranh thủ xin gây hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn. Người quyết định đầu tư đã có trách nhiệm gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Vì thế, đại biểu đề nghị, Luật Đầu tư công cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Làm rõ trách nhiệm, chế tài với cá nhân thẩm định dự án đầu tư công
Tham gia góp ý cho dự thảo, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng: Một điểm mới trong luật này cũng cần được nhấn mạnh, đó là luật hóa được các quy định về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong các văn bản hiện hành ta như Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các luật này đều quy định các dự án khi phê duyệt quyết định đầu tư phải xác định được nguồn vốn, nhưng trên thực tế, việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn không được quan tâm nên nhiều dự án phê duyệt nhiều năm vẫn không bố trí được vốn để thực hiện hoặc bố trí vốn nhỏ giọt kéo dài thời gian thi công. Các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gây thất thoát lãng phí nguồn lực.
“Với các quy định trong dự thảo luật sẽ khắc phục được các tồn tại hiện nay, nhưng trong nội dung này tôi cũng đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm các quy định làm rõ trách nhiệm và các chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bảo đảm các dự án đã được thẩm định vốn phải cân đối được nguồn vốn để thực hiện”, đại biểu nói.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị, Luật đầu tư công cần phải quy định và có chế tài cụ thể đối với các nguồn vốn nhà nước, trong đó có đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bởi, trong thời gian vừa qua, việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước được đề cập tại nhiều phiên thảo luận của Quốc hội và trên các diễn đàn đều mong muốn quản lý chặt chẽ nguồn vốn này.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng nhấn mạnh tới việc phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư công.
“Quan trọng là thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công. Phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ đến quá trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, phải gắn kết với hệ thống pháp luật có liên quan, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhằm khắc phục có hiệu quả những yếu kém, hạn chế trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay từ chủ trương, chuẩn bị đầu tư đến phân bổ nguồn lực vốn đầu tư không để xảy ra tiêu cực tham nhũng lãng phí nguồn vốn đầu tư công”, đại biểu Vở nhấn mạnh thêm.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng chỉ ra thực tế: “Gần như không có dự án nào từ trước đến nay khi trình mà không tự kết luận là không hiệu quả, nhưng thực tế dự án triển khai thì hoàn toàn khác”.
Do đó, Luật cần chế định rõ ràng mối quan hệ giữa mục tiêu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với cơ sở của việc đưa ra các tiêu chí để thẩm định chương trình, kế hoạch đầu tư một cách chính xác khách quan, nhằm khắc phục hiện tượng dự án luôn khả thi. Cũng như cần thiết phải quy định chi tiết nguyên tắc phân bổ nguồn lực đầu tư một cách hợp lý giữa các vùng miền, giữa dài hạn, trung hạn với kế hoạch bố trí vốn hàng năm.
“Chỉ khi nào minh bạch được nội dung này mới mong hạn chế tối đa việc chi phối của các nhóm lợi ích hay triệt tiêu quan điểm tranh thủ tận thu trong nhiệm kỳ. Chấm dứt hiện tượng quyết định vượt quá khả năng cân đối là một nội dung lớn”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ vấn đề này.