Không gia hạn thời gian in hóa đơn

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, không thể vì sự chậm trễ của 6.000 doanh nghiệp chưa in kịp hóa đơn mà phải kéo theo gần 400.000 doanh nghiệp khác.

Tại cuộc họp báo sáng ngày 26/3 bàn về giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) đặt in, tự in hóa đơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tính tới hết ngày 25/3, trong 420.000 DN đăng ký kinh doanh hoạt động thường xuyên, còn khoảng hơn 6.400 DN chưa có hóa đơn tự in, đặt in. Số DN trên tập trung hầu hết ở TPHCM (4.000 DN) và Hà Nội (2.000 DN), Bình Dương (400 DN) và 10 địa phương khác.

 

Từ nay đến ngày 31/3 (hạn cuối cùng DN tự in, đặt in hóa đơn) Bộ Tài chính chỉ đạo các cục thuế trực tiếp đứng ra điều phối giữa nhà in và DN, nhưng theo ông Tuấn dù nỗ lực hết sức cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 4.000 DN, số còn lại 2.000 DN sẽ phải chấp nhận thiếu hóa đơn.

 

Còn đến 2.000 DN không có hóa đơn để dùng sau ngày 31/3, Bộ Tài chính có gia hạn thời gian cho các DN này không thưa ông?

 

Quyết định này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng với vai trò tham mưu, Bộ Tài chính không trình việc gia hạn nữa. Theo quan điểm của Bộ, không thể vì sự chậm trễ của 6.000 DN chưa in kịp hóa đơn phải kéo theo gần 400.000 DN khác. Chúng ta cần thấy rằng, tại sao hàng trăm nghìn DN làm được mà hơn 1% DN kia lại không thể. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là không lùi thời hạn, mà ngành thuế hỗ trợ đến từng DN tự in và đặt in trong thời gian sớm nhất.

 

Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ thế nào?

 

Trong 5 ngày tới, các Cục thuế sẽ thành lập từng nhóm do Cục trưởng Cục thuế ở địa phương đứng đầu. Qua đó, sẽ tổ chức kết nối với các nhà in, DN đặt in đàm phán, điều phối nơi thừa sang nơi thiếu, cân đối cung - cầu hóa đơn. Số còn lại không giải quyết kịp trước 31.3, sẽ phải tiếp tục vừa đặt in, vừa tiến tới tự in trong thời gian tới.

 

Hiện Bộ đã ký kết với 4 DN cung cấp phần mềm quản lý và in ấn hóa đơn tốt nhất. Các DN này sẽ cung cấp miễn phí phần mềm phí từ 6 - 12 tháng, các DN trên có thể lên trang web của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để tải phần mềm về sử dụng.

 

DN phản ảnh, phần mềm trên dù miễn phí, nhưng nếu không mua phần mềm phụ đi kèm để tích hợp thì không sử dụng được?

 

Chúng tôi cũng rất lo ngại điều này vì bản thân DN nào cũng làm vì lợi nhuận cả, không có chuyện miễn phí. Vì vậy, Bộ đã ký kết với các đơn vị cung cấp phần mềm và đứng ra là người chịu trách nhiệm chính. Thời gian đầu miễn phí, còn sau đó, Bộ đứng ra tổ chức thu và quản lý phí của các phần mềm này.

 

Tại một số nơi, DN phải in với giá 1-2 triệu đồng/hóa đơn, cơ quan thuế có biết không?

 

Trước tết xảy ra một số trường hợp giá thành in cao, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu in đúng giá. Theo quy định hiện nay về Pháp lệnh Giá, thanh tra giá nếu phát hiện có quyền thu khoản chênh lệch vào ngân sách khi có dấu hiệu vi phạm. Biện pháp thanh, kiểm tra tại các nhà in đã tạo ra áp lực buộc các DN điều chỉnh, hiện không còn hiện tượng này nữa.

 

Hiện xảy ra quá tải do các DN không in tại nhà in nhỏ vì sợ rủi ro, không bảo đảm, Bộ giải quyết thế nào?

 

Chúng tôi cũng nắm được việc này, đầu tháng 3 tại TP.HCM có một nhà in nhận in của hơn 1.000 DN khác dẫn tới bị quá tải. Sau đó tôi có yêu cầu các Cục thuế đứng ra mời DN in và DN cần in hóa đơn đến điều phối. Thực tiễn, đúng là các DN vẫn sợ xưởng in nhỏ, có nhiều rủi ro, nhưng bản thân DN in đó đã được kiểm tra, thẩm định. Ngoài ra, tôi có chỉ đạo các Cục thuế kiểm tra phòng chống tiêu cực, vi phạm tại các cơ sở này.

 

Các DN cũng rất sợ bị làm giả hóa đơn, ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động kinh doanh?

 

Làm giả và ăn trộm hóa đơn không phải đơn giản. Muốn dùng hóa đơn đó khi khấu trừ, hoàn thuế phải ăn trộm được con dấu, hoặc khắc con dấu giả của DN.

 

Ngoài ra, muốn được khấu trừ, hoàn thuế trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng. Tới đây, chúng tôi dự tính trình, xin Quốc hội hạ từ 20 triệu xuống 5 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng. Như vậy vừa đảm báo thanh toán không dùng tiền mặt, và chắc chắn với món lợi quá nhỏ bé trên sẽ không có nhiều DN chấp nhận rủi ro để ăn trộm hóa đơn.

 

DN tùy chọn phần mềm in hóa đơn

 

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định DN có thể sử dụng bất cứ phần mềm tự in hóa đơn nào phù hợp với sổ sách kế toán của mình. Cho nên, nếu DN nóng ruột muốn có hóa đơn tự in để dùng ngay mà không cần phần mềm của Tổng cục Thuế có thể liên hệ với các công ty cung cấp ứng dụng.

 

Ông Đặng Thế Duy, Giám đốc Công ty Duy Đặng (TP.HCM), đơn vị đang cung cấp phần mềm kế toán và phần mềm tự in hóa đơn, cho biết nếu DN chọn tự in hóa đơn không theo mẫu (mẫu riêng của công ty) thì thời gian để hoàn tất việc cài đặt chỉ trong vòng 1 giờ. DN chuyển mẫu hóa đơn cho nhà thiết kế, ngay sau đó sẽ nhận được phần mềm. Còn những DN làm theo mẫu chung (giống mẫu hóa đơn do cơ quan thuế phát hành) thì sẽ có phần mềm ngay lập tức.

N.T.Tâm

 

Theo Anh Vũ

Thanh Niên