Không để thiếu hụt hàng hoá tết
Đến thời điểm này có thể nói nguồn cung thực phẩm tết đã được doanh nghiệp chuẩn bị khá dồi dào, đa dạng chủng loại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cả hàng tết năm nay sẽ không tăng đột biến.
Nguồn cung đã sẵn sàng
Theo thông lệ, nguồn thịt heo tết chủ yếu do công ty Vissan chi phối. Hiện đơn vị này chuẩn bị lượng hàng trị giá 1.100 tỉ đồng, tăng khoảng 10 – 15% so với tết năm trước, tuỳ mặt hàng.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan khẳng định, nguồn cung mặt hàng thịt gia súc không thiếu, giá cả tiếp tục ổn định do Vissan có lợi thế nắm trong tay nguồn hàng chiếm từ 20 – 35% thị phần. Thực tế, giá heo hơi tại trại hiện chỉ dao động 42.000 – 43.000 đồng/kg, mức này duy trì trong suốt thời gian hai tháng trở lại đây. Người chăn nuôi ở các tỉnh miền Đông cho hay nguồn heo chuẩn bị nhu cầu tết khá lớn nên sẽ không có sự biến động về lượng và giá từ nay cho đến tết.
Trong khi đó, thịt gà ta, gà tam hoàng được sử dụng nhiều nhất dịp tết cũng đang có mức giá khá ổn định. Ngày 20/1, giá gà tam hoàng tại trại dao động 47.000 – 50.000 đồng/kg; thịt gà ta khoảng 120.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai, cho biết do đã ứng vốn, thống nhất giá thành với người chăn nuôi cách nay mấy tháng nên giá thịt gà tết của công ty sẽ ổn định. Nhận định chung toàn thị trường, ông Phương đánh giá, với tổng đàn giá hiện nuôi trong dân, nguồn cung ở mức dồi dào nên giá sẽ khó tăng.
Bà Tôn Thanh Thuỳ, giám đốc công ty Phạm Tôn, một trong những đơn vị tham gia bình ổn thịt gà, cam kết công ty sẽ tăng sản lượng gà thịt các loại cho chương trình bình ổn gấp đôi so với kế hoạch, tức 1.700 tấn/tháng so với mức 850 tấn mà thành phố giao. Ngoài ra, do chuẩn bị nguồn cung ổn định nên Phạm Tôn giữ giá bán ổn định từ nay cho đến tết.
“Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, trước tết Nguyên đán bảy ngày và sau tết 15 ngày, công ty giảm giá bán thịt gà 2.000 đồng/kg”, bà Thuỳ thông tin thêm.
Tăng giờ phục vụ
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các nhà kinh doanh siêu thị vẫn còn lo ngại sức mua khó có thể tăng mạnh khi nền kinh tế nhìn chung vẫn chưa hết khó khăn. Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định: “Người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua sắm tết, nhưng họ sẽ dịch chuyển sự chọn lựa những mặt hàng xa xỉ sang nhóm hàng thông dụng cần thiết cho gia đình”. Đó là lý do Co.opmart đầu tư mạnh cho hàng tiêu dùng thiết yếu, dự trữ 38.000 tấn hàng hoá các loại, chủ yếu tập trung vào chín nhóm hàng: 11.000 tấn gạo, 3.800 tấn đường, 4.400 tấn dầu ăn, 5.100 tấn thịt gia súc, 2.370 tấn thịt gia cầm, 2.250 tấn thực phẩm chế biến, 9 triệu quả trứng, 490 tấn thuỷ hải sản và 8.500 tấn rau củ quả.
Hệ thống Citimart dự trữ hàng tết tăng 10% so với năm ngoái, tập trung nhóm hàng thực phẩm khô, nước giải khát, thực phẩm chế biến. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống Citimart cũng cho biết, đã dự trữ sẵn nguồn tiền mặt để mua thêm hàng khi cần và ký hợp đồng với một số nhà kinh doanh lớn về việc đảm bảo đủ hàng cung ứng khi nhu cầu thị trường tăng thêm. Còn hệ thống siêu thị BigC đã hoạch định số lượng hàng hoá bán tết tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: bánh kẹo đóng hộp, bánh mứt truyền thống, thịt nguội, rau củ quả chủ đạo mùa tết, thức ăn sẵn và hàng hoá phi thực phẩm.
Hiện nay, siêu thị Metro Bình Phú (quận 6) mở cửa từ 4 giờ sáng; các hệ thống siêu khác cũng tăng giờ hoạt động bằng cách mở sớm hơn 30 phút buổi sáng và đóng cửa trễ hơn 30 phút buổi tối. Năm ngoái, để phục vụ người dùng sắm tết, hệ thống Co.op mở từ 6 giờ sáng, đóng cửa 11 giờ, năm nay đại diện siêu thị này cho hay nếu sức mua và nhu cầu mua sắm tăng sẽ thực hiện kế hoạch tăng giờ phục vụ. Đại diện Vissan cũng cho hay các xe tải sẽ làm việc từ 3 giờ sáng để tiếp hàng tết đến các chợ, cửa hàng, hệ thống siêu thị nhằm tránh bị thiếu hàng cục bộ.
Theo Bích Nga – Đặng Hoàng
SGTT