Không dễ thành lập hãng hàng không mới

Quốc hội vừa thảo luận dự án Luật hàng không (HK), trong đó chủ trương mở cửa bầu trời, cho phép tư nhân tham gia lập hãng HK để xoá bỏ độc quyền trong lĩnh vực HK là một nét mới có tính bước ngoặt của luật. Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình cho biết:

Đúng là Luật HK khuyến khích các nhà đầu tư, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển vận tải hàng không. Tuy nhiên, luật cũng quy định rõ: Việc cấp phép là do Chính phủ quy định.

 

Về nguyên tắc, để cấp phép hoạt động cho các hãng HK dựa trên nhiều điều kiện cụ thể: Nguồn lực tài chính, khả năng quản lý điều hành, năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không... vì vận tải HK là một lĩnh vực đặc thù, có liên quan chặt chẽ tới an toàn, an ninh quốc phòng và đòi hỏi cao về vốn, kỹ thuật, tổ chức, con người...

 

Khi có thêm hãng HK mới tất yếu sẽ xảy ra việc cạnh tranh. Đương nhiên các hãng mạnh sẽ tìm cách giữ thị phần. Dưới góc độ nhà quản lý, đề nghị ông cho biết việc duy trì cạnh tranh lành mạnh của thị trường sẽ được thực hiện như thế nào?

 

Về mặt pháp lý, chúng ta sẽ áp dụng các quy định của Luật Cạnh tranh và một số điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia. Trong dự thảo Luật HK mới, việc bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không cũng được luật đề cập trên nguyên tắc.

 

Về mặt chính sách, cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng các biện pháp, chẳng hạn như điều tiết thương quyền, xây dựng khung giá cước hay giám sát việc thành lập, sáp nhập, giải thể các hãng HK v.v...

 

Tôi muốn nói thêm, việc duy trì một thị trường cạnh tranh lành mạnh cũng cần tính đến yếu tố công bằng. Ví dụ: Một hãng HK được Nhà nước giao khai thác các đường bay không có lãi vì mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của các vùng, miền khó khăn, thì có thể sẽ được Nhà nước xem xét và tạo những ưu tiên nhất định để bù đắp.

 

Vừa qua, báo chí có nêu về trường hợp Vietnam Airlines (VNA) thực hiện đợt khuyến mãi giảm giá tới 40% trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng đúng vào dịp Pacific Airlines khai trương đường bay này, ông nhận xét gì về vụ việc giảm giá này?

 

Hiện nay, các quy định về giá cước trong ngành HK chỉ khống chế mức giá trần đối với riêng đường trục Hà Nội - TPHCM và ngược lại đối với vé hạng Y. Tất cả các đường bay nội địa khác thì không có giới hạn đối với giá trần và giá sàn. Như vậy, việc giảm giá trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng của VNA không vi phạm quy định pháp luật.

 

Theo các quy định của Luật Cạnh tranh thì luật chỉ can thiệp khi một DN chiếm thị phần lớn bán hạ giá sản phẩm khiến các DN khác không thể tham gia thị trường được.

 

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Theo Bích Liên
Báo Lao động