Không còn chỗ cho gian lận mua bán qua mạng

(Dân trí) - Mua - bán online hiện không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy đã được cảnh báo trước về các rủi ro, nhưng không ít người vẫn bị dính bẫy khi mua hàng qua mạng. Đó chính là lý do cổng thanh toán trực tuyến trung gian ra đời.

Cần một nơi trung gian
 
Thu Hường - sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân chưa hết bức xúc kể lại chuyện bị lừa khi mua giày trên 1...com: “Thấy có người rao bán đôi giày thể thao Nike đẹp quá mà giá chỉ có 400.000, mình chuyển khoản tiền đặt cọc 50% nhưng đợi mãi mà người ta không đến giao hàng.
 
Biết là đã bị lừa đảo, mình nhờ người quen đòi giúp và hăm doạ báo công an thì họ nói là cứ tự nhiên. Thậm chí mình đã lần tìm đến tận nhà, nhưng họ vẫn không đòi được”.
 
Không còn chỗ cho gian lận mua bán qua mạng - 1
Không ít người mua qua mạng đã bị mắc lừa
 
Không chỉ người mua mới bị mắc lừa, ngay cả người bán hàng nếu không cảnh giác cũng dễ trở thành nạn nhân. Thúy Nga - thường xuyên bán hàng trên mạng cho biết: “Đôi khi không cảnh giác và tin tưởng gửi hàng trước cho khách quen, mình cũng bị mất tiền oan vì giao hàng rồi mà người ta không chịu trả tiền”.
 
Các website mua bán qua mạng có mặt tại Việt Nam từ lâu, do hầu hết các website này mới chỉ sử dụng hình thức thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng hoặc là kênh trung gian để người tiêu dùng lên mạng tìm thông tin rồi thực hiện giao dịch thỏa thuận miệng giữa người mua và người bán. Những giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và có nhiều kẽ hở dễ tạo điều kiện cho nạn gian lận tung hoành.
 
Để hạn chế tối đa rủi ro này, nhiều website bán hàng trực tuyến đã mạnh dạn tích hợp cổng thanh toán trực tuyến trung gian (TTTTTG). Cổng này đóng vai trò “1 kết nối” giữa các ngân hàng và các website bán hàng, hay nói cách khác là trung gian giữa người mua và người bán hàng.
 
Ông Lê Quang Thành - Giám đốc kinh doanh của Công ty Nam Á, đơn vị mới đây đã tích hợp cổng TTTTTG cho rằng: “Thời gian gần đây, một vài đơn vị trong nước đã cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các doanh nghiệp nhưng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ thanh toán cho các khách hàng sở hữu thẻ tính dụng quốc tế Visa, Master… Chính vì thế thanh toán trực tuyến vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.
 
Xu hướng tất yếu
 
Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Nhìn về cơ sở hạ tầng thì ta thấy rằng hiện nay, cáp ADSL được sử dụng ở hầu hết các doanh nghiệp, thậm chí còn được kết nối đến tận các xã.
 
Mạng wifi được dùng phổ biến ở các thành phố; Một số công nghệ cao như Wimax, 3G đã được các công ty viễn thông khai thác; Tỷ lệ thuê báo Internet ngày càng gia tăng... Đây là lý do mà thị trường TTTTTG càng trở nên hấp dẫn.
 
Trên thực tế, các hình thức sơ khai của dịch vụ TTTTTG bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2006. Đến năm 2009, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các cổng thanh toán như Nganluong, Payoo, VinaPay, Mobivi, PayNet, VnPay… đã thổi luồng gió mới làm thay đổi cái nhìn về thương mại điện tử tại Việt nam và người dùng cũng biết tới nhiều hơn với khái niệm TTTTTG.
 
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Peacesoft - đơn vị sở hữu Nganluong cho biết: “Các cổng TTTTTG ra đời đã giúp cho các doanh nghiệp không đủ khả năng tiềm lực và thời gian để tự xây dựng cổng thanh toán cho riêng mình giờ đây không còn phải đau đầu với chuyện thanh toán nữa. Với TTTTTG, doanh nghiệp chỉ phải tập trung vào công việc kinh doanh của mình. Việc các cổng thanh toán trực tuyến đứng ra bảo đảm cho cả người bán và người mua trong các giao dịch trực tuyến, tạo nên sự tin tưởng và dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân”.
 
Chẳng hạn như thông qua chế độ “Thanh toán tạm giữ”, chỉ khi nào người mua nhận hàng và hàng nhận được đúng như thỏa thuận mua bán, người mua xác nhận khoản thanh toán đó thì người bán mới thực sự nhận được tiền. Thậm chí, người mua còn được bồi hoàn lại toàn bộ số tiền đã thanh toán cho người bán nếu giao dịch gặp rủi ro.
 
Hà Thành