Không có chuyện Việt Nam phá giá VND
(Dân trí) - Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: Việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND để phản ứng với những thay đổi về cung - cầu ngoại tệ, chứ không có chuyện Việt Nam phá giá tiền đồng.
Lãi suất VND được đánh giá là ổn định (ảnh: Việt Hưng).
Nới lỏng biên độ tỷ giá để “tự vệ”
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND lên +/-5% khiến một số ý kiến cho rằng Việt Nam có dấu hiệu phá giá tiền đồng. Tuy nhiên, theo ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam “chúng tôi không có bất kỳ dự báo nào về sự phá giá hoặc giảm giá mạnh nào của VND trong tương lai”.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng biên độ giao dịch nhằm phản ứng được những thay đổi về cung và cầu về ngoại tệ trên thị trường. Ông Ayumi Konishi nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh được tỷ giá tham chiếu, nhằm tránh việc tỷ giá trên thị trường tách rời quá xa so với tỷ giá của ngân hàng trong thời gian dài”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khủng hoảng tài chính toàn cầu không tác động trực tiếp tới các ngân hàng Việt Nam do các ngân hàng này chưa hội nhập sâu vào hệ thống tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng góp phần vào sự suy giảm dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài và giá chứng khoán. Chỉ số Vn-Index đã giảm khoảng 2/3 trong năm 2008 và tiếp tục giảm vào đầu năm 2009.
“Điều này làm chậm quá trình cổ phần hoá (tư nhân hoá một phần) các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác. Giảm giá chứng khoán cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và sự giảm sút tăng trưởng kinh tế cũng góp phần làm gia tăng các khoản nợ khó đòi trong danh mục cho vay của các ngân hàng”, ông Ayumi Konishi nói.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam dễ bị tổn thương
Việt Nam có một số lượng lớn các ngân hàng, nhiều ngân hàng trong số đó có qui mô tương đối nhỏ, tỷ lệ vốn tối thiểu thấp đã không trích lập dự phòng đủ cho những khoản nợ xấu và dễ bị rủi ro khi có cú sốc đột ngột.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ khó đòi trong danh mục cho vay của các ngân hàng đã tăng từ mức 1,5% vào cuối năm 2007 lên mức 2,1% vào cuối năm 2008.
Tuy nhiên, hệ thống phân loại tài sản được phần lớn các ngân hàng của Việt Nam sử dụng có xu hướng đánh giá thấp những tỉ lệ nợ khó đòi. Tỷ lệ này trong toàn bộ hệ thống ngân hàng nhiều khả năng còn cao hơn nữa nếu tất cả các ngân hàng áp dụng một hệ thống phân loại chặt chẽ và sẽ còn tăng thêm trong năm 2009.
Tuy vậy, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng được ADB đánh giá ở mức thấp. “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang củng cố việc quản lý và giám sát thận trọng các ngân hàng và đã ngừng việc cấp phép thành lập những ngân hàng mới để có thể tập trung giám sát những ngân hàng hiện tại.
Nếu một ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, ngân hàng trung ương có thể cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng đó hoặc khởi xướng việc sát nhập ngân hàng đó với một ngân hàng khác (hoặc cả hai phương án trên) để đảm bảo ngân hàng có vấn đề không tạo ra một cuộc khủng hoảng có tính hệ thống”, ADB nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền