FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Á - Âu:

“Không có chuyện ngành thép… lụt sân nhà”

(Dân trí) - Cùng với sự gia tăng nhập khẩu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu vừa được ký kết thì ngành thép trong nước được cho là có nguy cơ "ngồi dự bị sân nhà” do thép của Nga - cường quốc thép thứ 5 thế giới được hưởng thuế 0%.

PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) xung quanh câu chuyện cạnh tranh giữa ngành sản xuất thép trong nước với các nhà sản xuất thép Nga - nước sản xuất thép lớn thứ 5 thế giới.

Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thưa ông, sau khi FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết, bản thân ngành thép có lo ngại trước nhiều nhận định, ngành thép trong nước sẽ gặp thêm khó khăn mới?

Đúng là ngành thép trong nước mấy năm qua gặp khó do bất động sản chững và vấn đề tài chính khan hiếm, tồn kho… Việc FTA kể trên cũng có tác động nhưng theo nghiên cứu và đánh giá của VSA là không lớn và chúng tôi đã có kiến nghị bảo hộ có lộ trình.

Khi mới bắt tay đàm phán, danh mục ngành thép có 167 sản phẩm miễn thuế 0% ngay lập tức. Tuy nhiên, VSA đã kiến nghị 40 sản phẩm mà trong nước sản xuất được cần lộ trình cắt giảm thuế 0% từ 7 - 10 năm như thép cán, phôi, thép hợp kim, tôn mạ màu… Đến ngày 29/5, khi FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký, hiện tại chúng tôi chưa nhận được cụ thể bao nhiêu sản phẩm sẽ được hưởng lộ trình này.

Tuy nhiên, dù nếu không được hưởng lộ trình thì VSA khẳng định các DN thép Việt vẫn dư sức cạnh tranh bởi các lý do:

Thứ nhất, Việt Nam nằm ngay cạnh "gã khổng lồ ngành thép thế giới" là Trung Quốc với sản lượng 1 tỷ tấn/năm, xuất khẩu gần 100 triệu tấn/năm. Từ năm 2010, Việt Nam cùng ASEAN tham gia FTA với Trung Quốc, theo đó thuế nhập khẩu thép giảm xuống chỉ từ 15 - 30%, đặc biệt giảm mạnh nhất đối với phôi thép (nguyên liệu chính làm ra sắt, thép).  Năm 2014, Việt Nam nhập 12 triệu tấn sắt thép gồm cả phôi, sắt thép thành phẩm, 6 triệu tấn (50%) trong số đó là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Từ năm 2015, rất nhiều mặt hàng thép của nước này vào Việt Nam được hưởng lợi 0 - 15%. Thời gian đầu khi hội nhập, những tưởng ngành thép trong nước sẽ phá sản hoặc bị lép vế do thép Trung Quốc lợi thế rẻ, thép Trung Quốc nhập lậu hòng phá sản xuất trong nước. Nằm cạnh "gã khổng lồ số 1 thế giới" về sản xuất thép và xuất khẩu, ngành thép trong nước vẫn duy trì và đáp ứng tốt thị trường thì không có lý do gì Nga - nhà sản xuất thứ 5 thế giới có thể "gây lụt"  DN thép Việt Nam.

Thứ hai, công nghệ sản xuất thép trong nước hiện đã tương đối hiện đại. Các DN lớn trong ngành đều sử dụng công nghệ lò cao tiên tiến trên thế giới nên sản xuất sản lượng hoàn toàn cạnh trên thị trường.

Nhiều DN sản xuất thép cuộn xây dựng, tôn mạ màu, thép hợp kim đứng hàng đầu Đông Nam Á. So với thế giới Việt Nam đứng ở vị trí 26, tại Đông Nam Á, năng lực sản xuất cũng nhất nhì, tiêu thụ xếp thứ 3.  

Đa số các DN thép trong nước phải nhập nguyên liệu từ xa như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… trong khi Nga có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, lợi thế kinh tế về quy mô cộng với việc giảm thuế 0% sẽ thuộc về DN thép Nga trong cuộc cạnh tranh sắp tới?

Trước đó có người cho rằng, Nga bất lợi khi vận chuyển xa sang Việt Nam, đoạn đường dài khiến chi phí cao. Tuy nhiên các DN Việt Nam cũng bất lợi khi đa số họ phải nhập nguyên liệu (phôi, sắt thép phế liệu) từ những nơi rất xa, chỉ 1 số DN trong nước có được các mỏ quạng tại chỗ như Lào Cai hay Thạch Khê (Hà Tĩnh). Chặng đường phát triển của DN thép khá gian nan, thậm chí còn gian nan hơn cả các DN thép Nga, nhưng đến nay h vẫn tồn tại được.

Lợi thế của thép Nga chính là quy mô, khi là nước sản xuất và xuất khẩu thép thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, thị trường chính của họ nhắm tới là các nước Châu Âu, các nước Đông Âu cũ. Bất lợi của các DN thép Nga, Ucraina chính là công nghệ trung bình của thế giới, trong khi đó giá sắt thép của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình của các nước ASEAN, dư địa trong cuộc cạnh tranh về giá sẽ không dành phần cho các DN Nga.

Đồng Rúp của Nga giảm giá kỷ lục từ năm 2014 đến nay, nhiều mặt hàng nhập khẩu của Nga khá rẻ, như vậy thép từ thị trường này vào Việt Nam sắp tới có cùng xu hướng?

Từ khi đồng Rúp giảm giá tháng 7/2014 cho đến nay theo quan sát và thống kê của VSA, không có hiện tượng nhập khẩu thép ồ ạt vào thị trường Việt Nam. 10 năm gần đây, thép Nga xuất hiện ở Việt Nam rất ít, theo quan điểm của tôi, các yếu tố cộng hưởng gồm thuế nhập về 0% khi FTA có hiệu lực cùng đồng rúp mất giá, thép Nga cũng khó có thể nhập ồ ạt và tràn ngập thị trường Việt Nam được.

Hiện thép Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là phôi thép cho luyện sắt thép thành phẩm, thép xây dựng có nhưng ít ngoài ra còn 1 số mặt hàng thép hợp kim nhập lậu vào thị trường. Còn xuất khẩu chủ lực của Nga hiện là thép tấm, thép lá, thép hình… mà Việt Nam sản xuất ít hoặc hạn chế sản xuất.

So với các nền sản xuất thép lớn trên thế giới, quy mô của ngành thép Việt còn khá khiêm tốn. Làm thế nào để Việt Nam cạnh tranh trong thời gian tới?

So với các nền sản xuất thép lớn trên thế giới, sản xuất thép của Việt Nam chưa là gì cả. Năm 2014, sản xuất toàn ngành mới đạt 12 triệu tấn/năm, năm 2015 trở đi dự kiến sẽ tăng lên 16 triệu tấn/năm, đến 2020 sẽ tăng lên mức 20 triệu tấn. Đối chiếu với nền sản xuất lớn như Trung Quốc 1 tỷ tấn/năm, xuất khẩu 94 triệu tấn (2014); Nga, nước sản xuất thép lớn nhất trong liên minh Á - Âu cũng có sản lượng cao từ 63 - 64 triệu tấn/năm và xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn/năm.

Các phương án để cạnh tranh và “sống” trong môi trường khắc nghiệt sắp tới là chủ động về nguyên liệu, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học, chọn phân khúc sản phẩm có thế mạnh và chú trọng vào thị trường trong nước và các nước ASEAN.

Hiện nay, vấn đề tài chính được xem là khó khăn nhất của ngành thép bởi chi phí đầu tư cao trong khi thị trường thép đang đối mặt với nhiều thách thức như tồn kho tăng, bất động sản chậm khai thông và xuất khẩu gặp khó do giá cao. Rất nhiều DN đã đi vào chuỗi sản xuất thép hẹp như: sản xuất thép hợp kim công nghệ cao, thép tiêu dùng, thép tôn… Các DN thép Việt đã và đang biết khai thác rất tốt thị trường. Hơn lúc nào hết, hỗ trợ tài chính cho các DN thép trong nước là cần thiết để họ cạnh tranh và sống được.

Ngoài nội lực, các DN ngành thép cần bệ đỡ chính sách như: hàng rào phi thuế quan (TBT) để ngăn chặn thép kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, sở hữu trí tuệ… đây là những biện pháp bảo hộ được phép và các nước đã và đang tiến hành.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”