Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chê "bung bét":

"Không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho 500.000 doanh nghiệp"

(Dân trí) - Cách thức thực hiện của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không bao cấp, không đưa tiền trực tiếp cho doanh nghiệp (DN), không làm cho họ ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn.

Tại buổi tiếp xúc với báo chí chiều nay (14/4), Lãnh đạo Cục Phát triển Doanh nghiệp (PTDN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đơn vị soạn thảo Luật hỗ trợ DNNVV phản hồi về nhiều ý kiến của cộng đồng DN, tổ chức hội và các chuyên gia xung quanh nhiều nội dung còn kẽ hở, chưa sáng rõ tại Bộ luật này khi đưa ra lấy ý kiến dư luận, đối tượng thụ hưởng.

Phù hợp mọi điều ước và cam kết quốc tế!

Bà Bùi Thu Thuỷ, Cục Phó Cục PTDN cho rằng: Hiện DN Việt Nam có gần 98% là nhỏ và vừa. Chúng tôi đặt vấn đề làm thế nào để DN lớn lên? Làm sao tăng cường liên kết giữa các DN? Chính vì vậy, những nội dung hướng đến hỗ trợ là tín dụng, chính sách thuế, chính sách đất đai, kết nối khoa học công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực.

Đại diện lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT
Đại diện lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT

Tuy nhiên, trong ngày 13/4 khi Dự thảo Luật này được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng DN, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý như: Hỗ trợ đất đai, tín dụng... nhưng không có cụ thể, quá chung chung. Điều này trở thành nỗi thất vọng, “bánh vẽ” cho DN.

Bên cạnh đó, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho rằng: Luật hỗ trợ DNNVV giống một bài văn mẫu và không đáng được chấm điểm. Mức hỗ trợ trung bình chỉ 10 triệu đồng/DN, chỉ bằng 2 vé máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Luật này lấy tên "Hỗ trợ" có thể động chạm đến quy tắc chống phân biệt đối xử và trợ cấp DN nội địa trong điều ước quốc tế.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DN, Cục PTDN khẳng định: Luật không vi phạm các cam kết quốc tế; VCCI và Bộ Tư Pháp cũng đã có văn bản khẳng định điều này. Chúng tôi khi xây dựng Dự thảo Luật này cũng rà soát tất cả các điều khoản cam kết quốc tế, đảm bảo không vi phạm các công ước quốc tế bởi chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa được loại trừ ở các hiệp định thương mại tự do.

Về tên gọi của Dự thảo Luật, đại diện Cục PTDN nói: Thông lệ quốc tế không nước nào gọi Luật bảo vệ DNNNVV nên Ban soạn thảo chọn tên gọi Luật hỗ trợ DNNVV để phù hợp với các nước khác. Các nước như Nhật Bản, Thái Lan đều có tên gọi là Luật DNNVV, Trung Quốc gọi là Luật khuyến khích DNNVV. Tên Luật của DNNVV không sao vì cam kết quốc tế đã được loại trừ.

Ông Khương khẳng định, Dự thảo luật không bao cấp, không hỗ trợ tràn lan, không đưa tiền cho DN theo kiểu "phát chẩn". Đối tượng chính của Luật này là 3 nhóm chính: Hộ sản xuất gia đình muốn vươn lên thành DN, DN nhỏ khởi nghiệp và DN Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi hàng hóa tập đoàn quốc gia...

Không đưa tiền kiểu "phát chẩn"

Về ý kiến Dự thảo Luật này đè lên 7 Luật khác nên không khả thi, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quán triệt, Luật không đụng chạm 3 luật cơ bản (Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Thuế), nếu hỗ trợ thì cũng chỉ hỗ trợ về chính sách khi DN cần.

"Trong cơ chế hỗ trợ tín dụng, trước kia chúng tôi có đưa ra tiêu chí các ngân hàng hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến, chúng tôi không đề nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn cho DNNNV nữa bởi phải theo cơ chế thị trường, ngân hàng cũng là DN. Phía hỗ trợ phải là từ Nhà nước, từ các chính sách đặc thù", bà Bùi Thu Thủy nói.

Về nguồn lực hỗ trợ, Cục PTDN khẳng định, không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho cả 500.000 DN trên cả nước, với số tiền khoảng 10 triệu đồng/DN như ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội DN Hỗ trợ nói.

“Chúng tôi chọn 3 nhóm DN và các DN tiềm năng để hỗ trợ, tránh câu chuyện bốc thuốc bổ cho người mới ốm dậy. Chúng tôi không hỗ trợ tất cả 500.000 DN bởi nếu làm vậy thì thành phát chẩn. Chúng tôi chỉ hỗ trợ DN nào đáp ứng đủ các tiêu chí và họ cần thiết để hỗ trợ”, ông Khương phản biện.

Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua đã có rất nhiều chương trình, chính sách, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Thậm chí nhiều địa phương lập hẳn Trung tâm Hỗ trợ DN loại này. Tuy nhiên, hiệu quả chính sách vẫn dừng lại ở ý chí, chưa thực tế. Cái DN cần lại không có, cái không cần thiết (bằng khen, giấy phép, chứng nhận...) lại được "động viên". Bên cạnh đó, việc rất nhiều chính sách "trên tròn, dưới méo" đã làm sai lệch mục tiêu, ý chí của cơ quan hoạch định.

Ông Khương khẳng định: Khâu thực thi pháp luật chưa tốt nên có chuyện hành xử của công chức hỗ trợ DN chưa hiệu quả. Công tác hỗ trợ tại địa phương rất yếu, nguồn lực không có. Với quy định hạn chế về nguồn nhân lực, không được nguồn kinh phí nên rất khó cho hệ thống DNNVV.

"Sắp tới đẩy mạnh cải cách thuế và kế toán của DNNVV. Đặc biệt phải giảm thanh tra, kiểm tra DNNVV để tránh việc DN đồn là có lực lượng riêng chuyên để tiếp thanh tra. Một năm chỉ thanh tra 1 lần và kiểm tra liên ngành thôi", ông Khương nói.

Nguyễn Tuyền