Không chỉ Việt Nam, có tới 93 đợt điều chỉnh giảm lãi suất trên thế giới từ đầu năm
(Dân trí) - Đây là dữ liệu được các chuyên gia SSI đưa ra tại báo cáo phân tích mới phát hành gần đây. Giữa làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu, giới chuyên gia đánh giá, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành khá thành công chính sách tiền tệ, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá).
Như tin đã đưa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo giảm đồng loạt 25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9/2019.
Vai trò mờ nhạt của lãi suất cơ bản
Tại báo cáo cập nhật mới nhất, chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI đưa ra bình luận, lãi suất cơ bản vẫn tồn tại nhưng vai trò rất mờ nhạt. Sau khi được sử dụng để bình ổn thị trường vào năm 2008, từ 2010 trở đi, NHNN không công bố lãi suất cơ bản mà chỉ trả lời khi có văn bản từ phía các đơn vị là 9%/năm.
Các quy định liên quan đến lãi suất cơ bản như lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản và tính tiền phạt theo lãi suất cơ bản tại Luật dân sự 2005 cũng đã bị loại bỏ tại Luật dân sự 2015.
Theo Luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay sẽ theo cơ chế thỏa thuận, không vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định - tức là theo luật chuyên ngành. Điều đó có nghĩa là với các ngân hàng thương mại hoạt động theo Luật các Tổ chức Tín dụng, lãi suất cho vay theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.
Riêng với lãi suất huy động, hiện NHNN chỉ quy định trần 5,5%/năm với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trên thực tế, chuyên gia SSI cho biết, NHNN điều hành chủ yếu thông qua các lãi suất trong các giao dịch giữa NHNN với các ngân hàng thương mại (NHTM), bao gồm: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất mua kỳ hạn giấy tờ có giá (gọi tắt là lãi suất OMO) và lãi suất tín phiếu. Các lãi suất này đều vừa được NHNN điều chỉnh giảm.
Diễn biến trong và ngoài nước ủng hộ việc hạ lãi suất
Chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, diễn biến quốc tế và trong nước đang ủng hộ quyết định hạ lãi suất của NHNN.
Cụ thể, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm đảo ngược chính sách điều hành của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), các đợt nâng lãi suất chấm dứt và cơ quan này đã có lần hạ lãi suất (25 điểm phần trăm) lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thêm trong phiên họp tuần này.
Ở phía bên kia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng liên tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu 2019 đến nay), điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất và hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó là một loạt những bất ổn tại các đầu tàu kinh tế khắp các châu lục như Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo đánh giá của SSI, khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã là 93 đợt điều chỉnh giảm trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất.
Và mặc dù làn sóng hạ lãi suất lan rộng như trên nhưng NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá…) và cho đến nay, theo nhận xét của chuyên gia SSI, NHNN đã điều hành khá thành công biến số này.
Cũng theo SSI, do NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) …, không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác nên tác động của việc điều chỉnh lãi suất không quá lớn.
Các biện pháp kỹ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các NHTM lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.
Tuy vậy, theo SSI, để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nỗ lực của NHNN sẽ không đủ. Công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng.
Trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài. Ở đây, SSI nhấn mạnh tới hai giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ.
Mai Chi