1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khống chế giá trần, khó thực hiện hàng không giá rẻ

(Dân trí) - Theo lộ trình, vào trung tuần tháng 2 tới, Pacific Airlines sẽ thực hiện mô hình hàng không giá rẻ. Theo ông Phạm Vũ Hiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Pacific Airlines, thị trường hàng không Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là giá trần bị khống chế và rất khó để thực hiện hàng không giá rẻ.

Thưa ông, thông tin về mô hình hàng không giá rẻ của Pacific Airlines được rất nhiều người quan tâm, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, với mức giá như hiện nay thì làm sao có giá rẻ 1 USD?

Mô hình hàng không giá rẻ là giảm tất cả chi phí, ngoài những chi phí liên quan trực tiếp đến việc đi lại giữa hai nơi đi và đến, hành khách muốn sử dụng cái gì phải mua cái đó, chẳng hạn như báo, nước uống, cà phê...

Vấn đề ở đây là giảm thiểu những chi phí về các dịch vụ mà hành khách có thể tự cung cấp được thay vì hãng hàng không phải cung cấp. Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa thời gian hoạt động của tàu bay: hiện chỉ sử dụng 10 giờ/ngày, nhưng nếu tăng lên 12 giờ, 14 giờ/ngày thì chúng ta giảm được chi phí tới 20-30%.

Mặc dù gọi là hàng không giá rẻ nhưng không có nghĩa là không có lãi. Điều này đồng nghĩa với việc có giá rẻ thì cũng có giá cao. Tuy nhiên thị trường hàng không Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là giá trần bị khống chế: từ hơn 2 triệu đồng đối với khách nước ngoài năm 2000 giảm dần xuống chỉ còn 1,5 triệu đồng hiện nay. Theo tôi cần phải tính toán chi phí hợp lý mới đưa ra giá trần phù hợp, nếu giá trần không đẩy lên được thì thực chất không thể tồn tại hàng không giá rẻ.

Vậy theo ông, mức giá trần bao nhiêu là hợp lý?

Về điều này, chúng ta cần tính toán cụ thể, nhưng tôi biết, Australia bay giá rẻ thì giá trần là 100 USD/giờ bay, ở châu Âu khoảng 80 USD/giờ. Theo đó, ở Việt Nam cũng không thể rẻ hơn, mặc dù mình có lợi thế về chi phí nhân công nhưng có nhiều thứ thuê và mua bên ngoài lại cao.

Nhiều hãng hàng không giá rẻ than phiền muốn quay vòng bay nhanh nhưng thủ tục hàng không ở nước ta còn phức tạp. Điều này có đúng với Pacific Airlines không, thưa ông?

Điều này chưa chính xác. Quay vòng nhanh hay không phụ thuộc chính vào nhà khai thác chứ không phải sân bay. Hệ thống sân bay của VN theo tôi tương đối hoàn chỉnh, hiện đại, có thể đáp ứng các thủ tục nhanh chóng. Trước đây Pacific Airlines làm 1 tiếng, bây giờ chỉ cần 40 phút hoặc ngắn hơn.

Vietnam Airlines đã đưa ra phương án chuyển đổi hệ thống bán vé điện tử thay cho vé giấy. Còn Pacific thì sao?

Đây là xu hướng tất yếu của thế giới. Theo quyết định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế thì chúng ta phải chuyển đổi hệ thống bán vé, hết năm 2007 sẽ không còn vé giấy. Thống kê cho thấy việc sử dụng hệ thống bán vé điện tử tiết kiệm cho các hãng hàng không 7 tỉ USD/năm.

Ở Việt Nam, tôi tin hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dần phổ biến sau khi chúng ta hội nhập và do đó việc bán vé điện tử sẽ khả thi. Đối với Pacific Airlines, nếu không có gì thay đổi, thì vào đầu hoặc trung tuần tháng 2 tới, chúng tôi sẽ thực hiện bán vé điện tử, áp dụng cho các đường bay của hãng.

Thời gian qua, có nhiều hãng hàng không muốn hợp tác với Pacific Airlines, vậy trong tương lai, sự hợp tác này sẽ như thế nào, thưa ông?

Pacific Airlines muốn hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các hãng hàng không khác nhau. Về xu hướng lựa chọn đối tác chiến lược thì hai yếu tố chúng tôi quan tâm nhất là vốn và nhân lực - những chuyên gia trên những lĩnh vực mà chúng tôi cần.

Hiện Việt Nam mới chỉ có 2 hãng hàng không và đều của Nhà nước, vậy quan điểm của ông như thế nào về hàng không tư nhân?

Điều này thì luật pháp không cấm. Nếu nói rằng chúng ta có 83 triệu dân và cần nhiều hãng hàng không thì đúng. Tuy nhiên phải tính toán tới nhu cầu, bởi lẽ thị trường Việt Nam còn rất nhỏ, mới chỉ có 4,3 triệu khách/năm trên tất cả các chặng nội địa kể cả ngắn, dài.

Sự thật thì cũng có người đến hỏi tôi thông tin như vậy, họ lắc đầu và nói: nếu như vậy thì chưa thể làm được.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)