1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không bảo hiểm vàng, ngoại tệ vì người gửi đã… tự lo thân

(Dân trí) - “Khi người dân quyết định giữ tài sản bằng vàng, ngoại tệ là đã tự chọn hình thức phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá đồng Việt Nam. Như vậy, không bảo hiểm với tiền gửi là vàng, ngoại tệ cũng không ảnh hưởng tới quyền sở hữu các tài sản này”…

Lập luận của Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu vấp nhiều phản ứng đối lập khi UB Thường vụ thảo luận về dự án luật Bảo hiểm tiền gửi chiều nay, 14/12.

“Chốt” quy định “phân biệt đối xử” với vàng, ngoại tệ?

Một lần nữa bàn về dự luật Bảo hiểm tiền gửi, UB Kinh tế thống kê, qua thảo luận tại kỳ họp QH vừa qua, có 18 ý kiến phát biểu nhất trí với quy định của dự luật: chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng VND; 49 ý kiến khác đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng… nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền cũng như huy động những loại tài sản sở hữu hợp pháp người dân vẫn đang nắm giữ khá phổ biến này gửi vào hệ thống ngân hàng.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tán thành quan điểm ban soạn thảo, loại ngoại tệ, vàng… ra khỏi nhóm tài sản được bảo hiểm. Theo lý giải của ông Giàu, khi người dân quyết định giữ tài sản cho mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ. Việc không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không làm ảnh hưởng tới quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với các loại tài sản này.
 
Không bảo hiểm vàng, ngoại tệ vì người gửi đã… tự lo thân  - 1
Dù nhiều ý kiến "can gián", việc phân biệt tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, vàng vẫn được bảo lưu.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quả quyết “ok” với hướng quy định này với điều kiện tất cả tiền giao dịch trong hệ thống ngân hàng đều là VND. Còn thực tế hiện nay, các loại tiền gửi vẫn song song tồn tại mà “tẩy chay” bảo hiểm với ngoại tệ, vàng… bà Mai nhấn mạnh quan điểm không đồng ý.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng “bật” lại lập luận của Chủ nhiệm UB Kinh tế cho rằng “phân biệt đối xử” không làm ảnh hưởng tới quyền sở hữu hợp pháp của người dân. “Nói như vậy thì không bảo hiểm đồng nội tệ thì cũng có ảnh hưởng gì đâu. Bảo hiểm là để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân. Vậy sao nói không bảo hiểm cho Đô-la, vàng… lại không ảnh hưởng gì?” – ông Lý hỏi vặn.

“Găng” hơn, Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển còn chỉ thẳng, cả 3 nội dung “hồn cốt” của luật này: loại tiền bảo hiểm, hạn mức bảo hiểm, phí bảo hiểm đều chưa thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn so với Nghị định đang áp dụng.

Có luật, Bảo hiểm tiền gửi VN vẫn ì ạch?

Mô hình xây dựng bảo hiểm chi trả rủi ro được nhận xét là hết sức thụ động, “lỗi thời” so với mô hình bảo hiểm quản trị rủi ro đang áp dụng ở nhiều nước tiên tiến.

Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi Mai Minh Đệ “gật đầu” than thở, tổ chức hiện không có sự độc lập tương đối với NHNN. “Lực lượng của chúng tôi có, kinh nghiệm có, năng lực có, sao không cho làm công tác giám sát từ xa đối với những ngân hàng có dấu hiệu… rủi ro” – ông Đệ băn khoăn.

Ông Đệ cũng “xin” được dùng tiền quỹ đầu tư vào các ngân hàng thương mại, khi có tiền nhàn rỗi có thể mang gửi vào đây để nâng dần quỹ Bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định, nguồn tiền của quỹ phải được gửi vào NHNN, kho bạc nhà nước nhưng như vậy không làm đồng tiền sinh sôi thêm, khó cải thiện quy mô quỹ.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Minh Tuấn lần lượt “bẻ” những lập luận này. Ông Tuấn khẳng định, với năng lực của Bảo hiểm tiền gửi hiện nay (tổng quỹ chỉ 20.000 tỷ đồng), không thể nghĩ tới mô hình quản trị rủi ro. “Ở Mỹ, Bảo hiểm tiền gửi “siêu lớn” cũng không dám… rớ vào 8 ngân hàng lớn. Có đánh giá, giám sát cũng chỉ với những ngân hàng nhỏ, ngân hàng cấp 3 kiểu như quỹ tín dụng nhân dân của ta. Mô hình chi trả mở rộng đưa ra trong luật là cũng tiên tiến lắm rồi” – ông Tuấn thành thật chia sẻ thêm, với bộ máy hàng nghìn thanh tra, NHNN cũng chưa dám công bố ngân hàng này lỗ, ngân hàng kia báo động vì “nói ra chết liền”, dân đổ xô rút tiền hết. Một lĩnh vực quá sức nhạy cảm, không thể để Bảo hiểm tiền gửi giám sát rồi áp dụng mức phí bảo hiểm khác nhau với tiền gửi ở mỗi ngân hàng dựa theo đánh giá của mình.

Việc mang tiền quỹ Bảo hiểm đi kinh doanh, Phó Thống đốc cũng bác thẳng với lập lập, đã bảo hiểm rủi ro của các ngân hàng lại mang tiền đi gửi ở chính chỗ đó thì không thể quản lý, rủi ro càng lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại đặt ra một loạt câu hỏi: “Sau khi có luật này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có mạnh lên không chứ vẫn ì à ì ạch như hiện tại, không nên làm làm gì. Tôi cũng cảm thấy luật… chẳng tích sự gì, thậm chí nhiều nội dung không thoáng, quản lý chặt hơn khiến luật có khi còn thụt lùi so với Nghị định. Tôi không khoái lắm”. Ông Hùng yêu cầu phải làm rõ được các điểm khác biệt, khả dĩ trước khi trình ra Quốc hội lần thứ 2 vào kỳ họp tới.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm